Ngày đó tôi khoảng 10 tuổi, trời mùa đông giá rét, nằm trong chăn ấm nghe cha tôi mở radio Chương trình phát thanh văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đó là 8 giờ 30 phút buổi đêm.
Chiếc radio gắn bó với nhiều người thời bao cấp. Thuở đó, phương tiện giải trí phổ biến nhất là nghe đài. Sách báo thì không phải lúc nào cũng có, phim thì thỉnh thoảng mới về và văn công thì lâu lâu mới biểu diễn. Chiếc radio như người bạn thân thiết nhất của không chỉ gia đình chúng tôi mà còn của nhiều gia đình khác.
Có lần, tôi được nghe một truyện ngắn có tên là “Làng lỡ” mà tôi không nhớ tên tác giả. Truyện nói về một ngôi làng bên sông bị xói mòn mất từng mảng đất và cả làng phải di cư đến một nơi ở mới. Nhưng kỷ niệm về làng vẫn nằm sâu trong tâm khảm của người làng và truyện ngắn “Làng lỡ” là một tiếng gọi nao lòng của người làng gửi gắm vào trang văn.
Rồi chương trình Sân khấu truyền thanh vào mỗi tối thứ bảy, sau chương trình Kể chuyện cảnh giác. Mỗi lần nhạc hiệu chương trình vang lên là như tiếng mẹ ru cho tâm hồn trẻ thơ đi vào giấc ngủ. Tôi nhớ, chương trình Sấn khấu có vở chèo Nguyễn Viết Xuân với câu nói “ Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Đã lâu lắm rồi, hình ảnh anh hùng trung uý pháo binh Nguyễn Viết Xuân của quê lúa Thái Bình vẫn như một cánh diều đẹp trong mắt tuổi thơ tôi.
Chương trình tiếng thơ với những giọng ngâm đã đi vào lịch sử. Những bài thơ tôi nghe khi ở tuổi thiếu niên nay vẫn còn trong tâm trí. Đó là những “Mẹ Suốt”, “Bầm ơi” của Tố Hữu hay “Quê hương” của Giang Nam, hay “Núi đôi” của Vũ Cao… mà cho đến nay vẫn còn lay động biết bao người.
Thuở đó, tiếng nghe của radio có khi rất nhỏ vì pin đài không phải lúc nào cũng dồi dào, vậy là có lúc chúng tôi phải lắng tai nghe như sợ tiếng nói bị mất đi. Nhưng cũng có nhiều lúc, đài nói to rõ ràng nhưng chúng tôi vẫn im lặng lắng tai nghe vì chương trình hấp dẫn quá. Đặc biệt là chương trình Văn nghệ với những bài thơ đi cùng năm tháng, những vở diễn lay động lòng người và những câu văn như tiếng suối chảy vào lòng.
Tôi sinh ra khi chiến tranh chống Mỹ chỉ còn mấy tháng là kết thúc. Vì vậy những bài thơ chống Mỹ của Pham Tiến Duật chỉ được nghe và đọc khi đã ở tuổi trưởng thành. Nhưng cha tôi kể: Ngày đó, nghe đài đọc thơ chống Mỹ của Phạm Tiến Duật và nhiều nhà thơ khác mà cứ muốn giá như mình còn trẻ thì thế nào cũng xung phong vào Nam chiến đấu.
Nhà thơ Phan Xuân Hạt cũng đã từng có bài thơ Ga Hàng Cỏ được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong một dịp trò chuyện với một nhà thơ đã từng là bộ đội ở chiến trường C, ông có nói rằng, lần đó nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc thơ Phan Xuân Hạt, ông biết đó là người đồng hương quê mình nên ông cũng rất đỗi tự hào.
Lớn lên vào quân ngũ, chiếc radio vẫn gắn bó với cuộc đời tôi. Những đêm, sau khi sinh hoạt đại đội, tôi thường nằm nghe đài và chương trình quen thuộc nhất vẫn là: Chương trình văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe quen đến độ, khi vào sinh viên, trong một lần cao hứng, tôi đã đọc theo giọng đọc của phát thành viên cho đám bạn cùng phòng nghe khiến chúng vô cùng thích thú: Chương trình văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bây giờ, đã bước vào độ tuổi gần 50, tôi vẫn hằng ngày nghe đài và chương trình mà tôi gắn bó nhất vẫn là chương trình văn nghệ.
Những bài viết hấp dẫn trong chuyên mục: Tìm trong kho báu hay những bài phê bình, những bài thơ, truyện ngắn, ký hoặc chuyên mục điểm báo văn nghệ đã thực sự là món ăn tinh thần bổ ích không chỉ của riêng tôi. Đó thực sự là một tài sản vô giá mà tôi không mất tiền vẫn có.
Và tôi mong, chương trình văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn mãi mãi là người bạn đồng hành không chỉ của riêng tôi.