Làm gì để “hồi sinh” cây xanh bị gãy đổ do bão?

Chung Thủy/VOV.VN | 28/09/2024, 09:00

Hà Nội hiện có khoảng 142.000 cây xanh đô thị do thành phố quản lý. Bão Yagi làm khoảng 25.000 cây gãy đổ, trong đó có 8.700 cây đô thị, có thể dựng trồng lại được khoảng 1.900 cây. Đây là con số rất lớn. Nhiều ý kiến thắc mắc, việc trồng lại cây như vậy có hiệu quả không? Cần làm gì để “hồi sinh” số lượng cây gãy đổ này?

Việc rất nhiều cây xanh gãy đổ, bao gồm cả những cây to, cây cổ thụ không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống của người dân mà còn để lại nỗi xót xa tiếc nuối cho người dân Thủ đô.

Nói về việc hàng loạt cây xanh ở nội thành Hà Nội gãy đổ, bật gốc sau bão mới đây,  PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, Trường Đại học Lâm nghiệp cho hay, cây gãy đổ hàng loạt do bão quá lớn là điều bất khả kháng, với trận bão lớn như vậy thì đến cột điện còn gãy đổ, xe ô tô còn bị cuốn đi, trong khi khả năng hứng chịu gió bão của cây xanh kém hơn. Những cây bị gãy đổ phần lớn bị tác động bởi gió mạnh, ở Hà Nội có nhiều tòa nhà cao tầng, cho nên cùng một cấp độ gió nhưng ở trong đô thị, ở cục bộ một số nơi, tốc độ gió có thể cao hơn và sức giật của gió cũng lớn hơn.

Một nguyên nhân nữa là vấn đề về gốc, rễ cây. Ở  Hà Nội, do nền đất có mực nước ngầm khá cao, khi đào từ bề mặt vỉa hè xuống dưới khoảng 60-70 phân là bắt đầu có nước. Nếu trồng cây lớn hoặc những cây lâu năm thì khả năng đâm rễ chìm trong mặt nước được là rất khó. Phần lớn cây phân bố rễ trên tầng mặt, khi tán lá lớn và diện tích rễ phát triển trong phạm vi hẹp như vậy thì khi gặp gió mạnh, mưa lớn, thời gian mưa kéo dài, đất mềm ra khiến cây rất dễ bị biến động trước tác động của gió, bão. Ngoài ra, nhiều cây trồng rất nông. Cơn bão số 3 vừa qua đã cho thấy rõ điều đó.

Cũng theo TS. Đặng Văn Hà, để hạn chế tình trạng cây xanh gãy đổ hàng loạt trong mùa mưa bão, việc chọn giống cây và chọn tiêu chuẩn về cây giống phải hết sức lưu ý. Bởi mỗi loại cây chỉ có thể phát triển tốt và phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau. Cây giống đưa vào trồng trong đô thị thì không nên trồng cây giống có kích thước quá lớn. Với những cây lớn, có đường kính trên 15 cm, khi trồng, hệ rễ cây  bị chặt bỏ nhiều, khả năng đâm sâu xuống đất rất kém. Do đó chỉ nên trồng những cây có đường kính từ 6-10 cm. Với cây như vậy ở giai đoạn tuổi non thì sự phát triển của rễ tốt hơn và khả năng đâm sâu của rễ xuống đất tốt hơn. Sau này cây lớn lên, sẽ vững hơn so với những cây trồng kích thước lớn. 

 Nêu quan điểm về cách trồng cây xanh trong phố, PGS.TS Đặng Văn Hà cho hay, ở các nước phát triển, cây trước khi trồng trong đô thị phải được nuôi dưỡng, ươm tạo tại các vườn ươm từ 8-10 năm, khi đủ tiêu chuẩn thì mới đưa vào trồng cây trong đô thị. Tại Việt Nam, hố trồng cây ở các đô thị hiện nay không đảm bảo với cây bóng mát để phát triển bình thường được. Hố chỉ có kích thước 1,2-1,5m, quá nhỏ so với yêu cầu sinh trưởng bộ rễ phát triển của cây xanh. Với diện tích hố nhỏ như vậy và lại bị tác động bởi việc đào bới làm vỉa hè khiến chất lượng cây trồng bị ảnh hưởng nhiều, nguy cơ rủi ro khi gặp mưa bão là rất cao.

 “Cây trồng sau nhiều năm, do ảnh hưởng một số công trình hạ tầng, ảnh hưởng của công trình kiến trúc đường phố thì sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây. Với những cây có hiện tượng bị mục rỗng thân, cành, mục rễ, nghiêng tán thì hàng năm phải có khảo sát và đưa vào diện cây cần phải thay thế để đảm bảo an toàn cho người dân đô thị. Về thiết kế trồng hiện nay, cần có sự quản lý thống nhất, đặc biệt ở các Sở Xây dựng được giao quản lý nhà nước về cây xanh thì phải có những đơn vị chuyên môn và có đủ lực lượng cán bộ chuyên trách để phụ trách về cây xanh. Những người này phải được đào tạo và có chuyên môn sâu về cây xanh. Hiện nay ở các địa phương đang thiếu điều này”, TS. Đặng Văn Hà cho biết.                                                                          

Thống kê sơ bộ, trong số hơn 25.000 cây bị gãy đổ trong cơn bão số 3, có khoảng 8.700 cây trồng trong đô thị, có thể dựng trồng lại được gần 1.900 cây.

Theo đó, từ 12-30/9, Sở Xây dựng Hà Nội và đơn vị quản lý, duy trì cây xanh, các quận, huyện, thị xã trồng lại và thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè để đảm bảo chất lượng, cảnh quan và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc, những cây trồng lại này chất lượng sẽ ra sao?

Nên đưa cây gãy đổ về vườn ươm rồi mới trồng thay thế

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn, trưởng Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ tịch Chi hội KTS cảnh quan Việt Nam cho biết, sau khi cây đổ, gãy thì tán cây cũng bị thay đổi nhiều, vì khi đổ, cây bị dập, gãy cành nên phải cắt đi và dẫn đến hiện tượng lệch tán. Bên cạnh đó, quy trình cắt tỉa cần phải đúng kỹ thuật, nếu cắt ngang thân, cắt cụt hết cành thì hiệu quả sẽ không cao vì khó định hình tán về sau. Ngoài ra, nếu cắt sâu sẽ làm khả năng sinh trưởng, phát triển và sức khỏe của cây bị giảm sút, khả năng chống chọi trước gió mạnh sẽ kém hơn. Chính vì vậy, cần có kỹ thuật cắt, tỉa chuẩn thì chất lượng cây trồng sẽ tốt hơn, đồng thời, công tác cắt tỉa, hạ độ cao của cây xanh thường xuyên đảm bảo phù hợp với từng không gian, nhất là trên các tuyến phố cũng giảm thiểu khả năng đổ gãy.

Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, để cây phát triển tốt thì cây bị đổ, gãy cần đem về vườn ươm để chăm sóc. Vì sau khi đổ, rễ cây đã bị đứt gãy, tổn thương rất nặng, ngoài ra, bầu đất không có làm rễ bị lộ ra nên việc trồng lại tại chỗ sẽ không mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, với tình trạng cây đổ gãy nhiều sau cơn bão Yagi như vừa qua, cơ quan chức năng khó có đủ nhân lực để thực hiện công tác thu dọn, họ phải trồng lại ngay kết hợp với công tác dọn vệ sinh để đảm bảo không gian và an toàn cho người dân đi lại. Việc đánh chuyển, cắt tỉa, dọn dẹp mất rất nhiều thời gian công sức, trong khi nguồn lực và phương tiện không có đủ. Do đó, việc trồng lại cây chỉ là giải pháp tạm thời.

Ông Tuấn cho rằng, để hạn chế cây xanh gãy đổ, đặc biệt trong mùa mưa bão, thành phố phải có quy hoạch bài bản cho định hướng phát triển cây xanh tổng thể cũng như phát triển hệ thống cây xanh đô thị phù hợp với từng loại hình không gian, đặc trưng theo từng tuyến đường. Từ đó, có những giải pháp lựa chọn loài cây phù hợp với từng không gian, đặc điểm và chức năng hoạt động của từng tuyến đường. Đẩy mạnh khai thác cây bản địa để tạo ra đặc trưng đô thị cho từng vùng và đảm bảo tính bền vững vì chúng dễ dàng thích nghi ngay với môi trường và thổ nhưỡng khu vực, từ đó chất lượng cây trồng sẽ tốt hơn. Việc phát triển đa dạng sinh học là hợp lý nhưng việc chọn những loài cây mới cần phải được trồng thử nghiệm trước khi thực thiện trồng đại trà, tránh tình trạng nhập về là trồng ngay.

“Không nên trồng những cây to. Cây xanh cũng giống như cơ thể chúng ta, khi trưởng thành như một người lớn tuổi, nếu cắt hết bộ rễ thì khả năng hồi phục và phát triển sẽ kém. Qua đó cho thấy, bộ rễ cây xanh phát triển không đảm bảo. Vấn đề khó giải quyết nhất là ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn đất, sự nén chặt của đất do quá trình làm hạ tầng giao thông, họ chỉ để lại hố rất nhỏ để trồng cây, hệ thống các công trình ngầm trên vỉa hè, hạ tầng cho bộ rễ hầu như không có. Chúng như những cây xanh có tán lớn mà trồng trong cái chậu bé. Do đó, nguy cơ đổ gãy rất cao. Đặc tính sinh trưởng của rễ là phát triển lan rộng theo độ rộng của tán. Về lý thuyết, tán phát triển đến đâu thì rễ lan ra đến đó, nhưng trên các tuyến đường trong đô thị gần như không thể đảm bảo được yếu tố này”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Ông Tuấn cho biết thêm, giải pháp là phải làm hệ thống hạ tầng cho đồng bộ, phải tính đến vị trí và không gian đảm bảo đủ để trồng cây xanh. Nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội đang trồng cây xanh chưa đảm bảo, thậm chí được trồng nhiều trên tuyến đường có vỉa hè rộng khoảng 2 mét hoặc nhỏ hơn. Trong khi tiêu chuẩn Việt Nam yêu cầu phải từ 3 mét trở lên mới được trồng vì là cây bóng mát. Chính vì vậy, việc trồng cây xanh trên những vỉa hè hẹp đối với cây có tán lớn, bộ rễ phát triển mạnh sẽ dẫn đến không có không gian cho cây xanh, như vậy tính bền vững không có.

Trong quá trình chăm sóc, ngoài trồng cây phù hợp thì việc cắt tỉa, tạo tán và khống chế độ cao cho tán của cây xanh hàng năm cũng là giải pháp để đảm bảo hiệu quả phát triển bền vững cho hệ thống cây xanh đô thị. Không nên tham vọng là trồng cây to thì sớm có bóng mát ngay mà chúng phải có thời gian để phát triển. Việc trồng cây đủ tầm nhỏ thì chậm ban đầu nhưng về lâu dài sẽ bền vững và phát triển tốt hơn, phù hợp với không gian, dễ dàng kiểm soát chiều cao của cây hơn.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi điện cảm ơn Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez và Phu nhân. Kết thúc chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi Điện cảm ơn Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba.
  • Vì sao giá vàng nhẫn tăng chóng mặt?
    Chuyên gia phân tích nhiều nguyên nhân khiến giá vàng nhẫn tăng chóng mặt thời gian gần đây và dường như chưa có dấu hiệu dừng lại.
  • Làm gì để “hồi sinh” cây xanh bị gãy đổ do bão?
    Hà Nội hiện có khoảng 142.000 cây xanh đô thị do thành phố quản lý. Bão Yagi làm khoảng 25.000 cây gãy đổ, trong đó có 8.700 cây đô thị, có thể dựng trồng lại được khoảng 1.900 cây. Đây là con số rất lớn. Nhiều ý kiến thắc mắc, việc trồng lại cây như vậy có hiệu quả không? Cần làm gì để “hồi sinh” số lượng cây gãy đổ này?
  • Thu ngân sách nhà nước đã đạt khoảng 85% dự toán
    Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, tính đến thời điểm này, thu ngân sách 3 quý đầu năm đã đạt khoảng 85% dự toán, trong đó thu ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương đều đạt tiến độ khá.
Mới nhất