Lạ lùng công việc “chăm muỗi” để nghiên cứu phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Nguyễn Hà/VOV.VN | 18/08/2024, 09:54

VOVLIVE - Chăm muỗi” là công việc hàng ngày của các cán bộ, kỹ thuật viên ở Khoa Côn trùng - Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương. Công việc này cũng phải tỉ mẩn, chu tất như chăm “con mọn”, phải để ý từng chút, quan sát vòng đời, kiểm tra hoạt động của muỗi theo giờ, cho muỗi ăn.

Tại khu nuôi muỗi phục vụ công tác nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương đang chăm chú kiểm tra từng khay nước, từng chiếc lồng muỗi.

Nhìn những khay nước có bọ gậy đang ngo ngoe, những chiếc lồng nhỏ phủ màn dày đặc muỗi bám, đậu bên trong, ít ai hiểu giá trị của công việc này. Thế nhưng với các nhân viên ở đây, nó có vai trò rất quan trọng.

Chăm muỗi như chăm con mọn

Theo TS. Nguyễn Văn Dũng, việc nuôi muỗi trong phòng thí nghiệm có rất nhiều mục đích, từ nghiên cứu, đến sử dụng chúng làm công cụ đào tạo cho cán bộ y tế các tuyến các địa phương về nghiên cứu các loại côn trùng. Việc nghiên cứu nhằm tìm hiểu cách thức truyền bệnh, đặc điểm sinh học, sinh thái của muỗi, từ đó sẽ đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp trên thực tế.

“Chăm muỗi” là công việc hàng ngày của các cán bộ, kỹ thuật viên ở Khoa Côn trùng. Công việc này cũng phải tỉ mẩn, chu tất như chăm “con mọn”, phải để ý từng chút, quan sát vòng đời, kiểm tra hoạt động của muỗi theo giờ, canh để cho muỗi ăn”, TS Dũng nói.

Khi “canh” muỗi cái đến kỳ đẻ trứng, các cán bộ y tế trong khu thí nghiệm sẽ chờ đến khi muỗi đẻ sẽ thả trứng muỗi vào nước, cho nở thành bọ gậy, loăng quăng, cuối cùng là muỗi trưởng thành. Mỗi công đoạn đều được theo sát và có biện pháp để cho muỗi đẻ trứng, tách riêng các giai đoạn trong vòng đời của muỗi ra cho phù hợp. Mỗi chu trình như vậy mất khoảng 2 tuần.

Trong quy trình nuôi muỗi trong phòng thí nghiệm, việc cho muỗi ăn cũng là công đoạn rất tỉ mỉ. Các loại muỗi ở đây được cho ăn bằng cách cho muỗi đốt chuột, gà nghĩa là lấy máu chuột hoặc máu gà cho muỗi hút. Hiện tại, phòng thí nghiệm chủ yếu sử dụng phương pháp “đốt máu qua màng” để cho muỗi ăn. Cụ thể là sử dụng các loại máu cho vào một hệ thống, tiếp xúc với lớp màng, muỗi sẽ đốt qua màng này, chứ không đốt trực tiếp vào cơ thể chuột và gà.

Nuôi muỗi giúp lựa chọn biện pháp phòng dịch phù hợp

Tại khu vực nuôi muỗi này, từng giống muỗi, đều được cán bộ y tế tỉ mẩn ghi rõ nguồn gốc, đặc điểm và dán tại các lồng nuôi, khay nước. Tất cả các loại muỗi đều phục vụ công tác nghiên cứu. Đặc biệt trong số các loài muỗi được nuôi ở đây, có muỗi Aedes - loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

TS. Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Với muỗi Aedes, hiện Việt Nam còn áp dụng nuôi để thử cho mang vi khuẩn Wolbachia vào muỗi đực, sau đó thả ra ngoài cộng đồng. Cách này làm lan truyền vi khuẩn Wolbachia sang muỗi cái (để di truyền cho thế hệ sau). Đặc biệt, nếu muỗi đực mang vi khuẩn Wolbachia cặp đôi với muỗi cái tự nhiên thì sẽ sinh ra trứng không có khả năng phát triển, từ đó giúp giảm sinh sản của muỗi, giảm vectơ truyền bệnh, ngăn ngừa sốt xuất huyết lây lan”.

Theo TS Dũng, nuôi muỗi phòng chống sốt xuất huyết là dựa vào đặc điểm sinh học, sinh thái của muỗi để lựa chọn biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Bởi qua nghiên cứu, quan sát mới thấy được vòng đời của muỗi, cách sinh sản để có cách hạn chế môi trường cho chúng phát triển.

Muỗi Aedes có đặc điểm là muỗi trưởng thành sẽ tìm các ổ nước sạch như chậu cây cảnh, lọ hoa, những chai lọ phế thải có nước mưa đọng lại.. để đẻ trứng. Đặc biệt, loài muỗi này không đẻ trứng ở các cống rãnh, chỗ nước bẩn… Hay đặc điểm loài muỗi Aedes chỉ đậu trong nhà ở các góc tối, nơi treo quần áo… chứ không đậu trên tường giúp chúng ta đưa ra việc sử dụng các biện pháp phun sương ULV để diệt muỗi là phù hợp.

“Từ những kết quả nghiên cứu về muỗi Aedes cho thấy, để phòng dịch sốt xuất huyết, chúng ta phải chủ động phòng chống khi chưa có dịch. Mấu chốt vẫn là nhấn mạnh vào việc người dân có ý thức vệ sinh môi trường, tránh để muỗi sinh sản, phát triển và đốt người gây bệnh. Quan trọng nhất là cần loại bỏ các ổ bọ gậy, loăng quăng xung quanh môi trường sống. Đó là biện pháp rẻ nhất, an toàn nhất, tốt nhất trong phòng dịch sốt xuất huyết hiện nay”, TS nhấn mạnh.

Hiện nay, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương còn nuôi một số chủng muỗi thực địa nhằm tìm hiểu, nghiên cứu xem các loại muỗi này có kháng hóa chất hay không, nếu kháng thì kháng hóa chất nào, nhận loại hóa chất nào để có thể lựa chọn hóa chất diệt muỗi phù hợp.

Do đó, các chuyên gia cũng khuyên người dân không nên tự mua hóa chất về phun muỗi. Việc phun phải có kỹ năng, dụng cụ chuyên biệt; phải biết cách sử dụng và an toàn cho sức khỏe. Nếu phun cần thuê những đội phun có uy tín, hóa chất có nguồn gốc rõ ràng, các công ty uy tín, có tham khảo cụ thể… Có những hóa chất nếu không biết cách sử dụng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến muỗi kháng hóa chất, như vậy sẽ khó khăn hơn trong diệt muỗi.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu nhậm chức: Giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong Đảng
Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh tiếp tục giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
  • Kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao trong 2024 và 2025
    Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá tiếp tục phục hồi. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự đoán tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam so với trước đó.
  • Đề xuất Nhà nước độc quyền đầu tư và phát triển điện hạt nhân
    Theo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
  • Tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường
    Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ông có trình độ chuyên môn là Cử nhân Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. VOV xin trân trọng giới thiệu tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường.
Mới nhất