Kịch bản EU "bắt tay" hợp tác với Trung Quốc giữa căng thẳng thương mại với Mỹ

Anh Tuấn, Bích Thuận/VOV | 11/04/2025, 14:20

Trước loạt chính sách áp thuế bất ngờ và khó đoán của Tổng thống Trump, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang "bắt tay" hợp tác nhằm ứng phó với mối đe dọa chung từ Mỹ.

Lý do EU bắt tay với Trung Quốc

Có thể nói những hậu quả mà thuế quan Mỹ đem lại cho châu Âu còn vượt xa ngoài những thiệt hại trực tiếp về mặt xuất khẩu.

Đầu tiên, đó là việc dư thừa sản phẩm. Trong ngắn hạn, khi thị trường Mỹ trở nên khó tiếp cận do mức thuế cao, những đất nước có trữ lượng hàng hóa xuất khẩu lớn như Trung Quốc sẽ buộc phải chuyển hướng và nhắm vào các thị trường tiềm năng khác. Các thị trường châu Á thường sẽ không phải là mục tiêu chính bởi bản thân các thị trường này cũng đã gần như đạt đến giới hạn tiêu thụ của mặt hàng Trung Quốc. Thêm vào đó, các nước châu Á cũng chỉ đem lại mức lợi nhuận trung bình, thường dùng số lượng để bù lại cho chất lượng.

Như vậy, các nước châu Âu sẽ trở thành thị trường tiềm năng cho các mặt hàng dư thừa. Và khi nguồn cung trở nên dồi dào, người dân lục địa già có thể sẽ được hưởng lợi giá cả thấp trong một thời gian ngắn do sự cạnh tranh khốc liệt. Nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp châu Âu, với chi phí nhân công và nguyên vật liệu cùng các loại thuế phí cao sẽ dần mất khả năng cạnh tranh.  

Khi đó, EU sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng với tình hình kinh tế trì trệ do không bán được sản phẩm, doanh nghiệp nội địa buộc phải giảm bớt nhân sự hoặc giảm lương khiến thu nhập người dân thụt giảm. Và thu nhập thấp đồng nghĩa với việc ưu tiên các sản phẩm giá rẻ. Đây sẽ là một vòng tuần hoàn ác tính nhấn chìm châu Âu.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen vừa có cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường để thảo luận về việc “thiết lập cơ chế theo dõi khả năng chuyển hướng thương mại đảm bảo mọi diễn biến đều được giải quyết thỏa đáng”, nhấn mạnh về khả năng cùng nhau quản lý và giải quyết các vấn đề một cách thỏa đáng. Bởi trên hết, một thị trường châu Âu mạnh khỏe đồng nghĩa với việc một khoản lợi nhuận bền vững cho Trung Quốc. Tương tự, một nền kinh tế châu Âu khó khăn sẽ kéo theo sự chậm bước của Bắc Kinh. Tính đến thời điểm hiện tại EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Khối 27.

Ngoài ra, trong bối cảnh cả EU lẫn Trung Quốc đều bị đe dọa bởi mức thuế quan mới của Mỹ, việc song phương tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại căng thẳng như trong thời gian vài năm trở lại đây (như các hành động áp thuế xe điện hay áp thuế các sản phẩm liên quan đến sữa), sẽ chỉ khiến cả hai cùng thiệt hại. Chính vì vậy bà Leyen đã chủ động đề cập đến việc Trung Quốc cân nhắc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường của mình, qua đó cân bằng lại cán cân thương mại, tạo sự hợp tác bền vững cho đôi bên trong tương lai.

EU và Trung Quốc "hâm nóng" quan hệ như thế nào?

Quan hệ EU – Trung Quốc vừa trải qua một năm 2024 không mấy “thuận buồm xuôi gió” do chịu tác động của hàng loạt thách thức từ các vấn đề chính trị nội bộ, tăng trưởng kinh tế, xung đột tại Ukraine đến các vấn đề khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, các tương tác cấp tập vài ngày qua cho thấy hai bên đang tìm đến nhau trong một nỗ lực để phối hợp ứng phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Theo như thông báo từ phía Bắc Kinh, trong cuộc hội đàm trực tuyến giữa quan chức cấp cao thương mại hai bên hôm 9/4, Trung Quốc và EU đã nhất trí nhanh chóng khởi động tham vấn, thảo luận các vấn đề liên quan đến tiếp cận thị trường, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cũng như ngay lập tức tiến hành đàm phán về cam kết giá xe điện và thảo luận các vấn đề hợp tác đầu tư ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc-EU.

Hai bên cũng ủng hộ việc tái khởi động cơ chế đối thoại cứu trợ thương mại Trung Quốc-EU để thảo luận vấn đề chuyển hướng thương mại và xử lý thỏa đáng các va chạm thương mại. Hai bên bày tỏ sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi trong khuôn khổ WTO, cùng nhau thúc đẩy cải cách tổ chức này và duy trì hệ thống thương mại đa phương lấy WTO làm nòng cốt.

Rõ ràng, Trung Quốc và EU đã nhìn ra những vấn đề tồn tại cần phải giải quyết trong quan hệ hai bên khi cuộc chiến thuế quan nổ ra, đặc biệt với những lĩnh vực bị ảnh hưởng vì tình trạng dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu.

Trước tuyên bố bất ngờ hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày cho tất cả các nước và vùng lãnh thổ, trong đó có EU, riêng Trung Quốc bị tăng thuế tiếp lên 125% của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hơn lúc nào hết Bắc Kinh đang cần các “đồng minh kinh tế”. Ủng hộ chủ nghĩa đa phương là mẫu số chung lớn nhất giữa Trung Quốc và EU trong thời khắc quan trọng này. Bài học từ cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, đang khiến hai bên hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn trước mối đe dọa chung từ chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ, nhằm duy trì một hệ thống thương mại toàn cầu ổn định và có trật tự.

Chưa có gì chắc chắn

Theo những gì các lãnh đạo EU đã tuyên bố trước khi diễn ra sự kiện tăng thuế quan mới của Mỹ, châu Âu vẫn duy trì mong muốn tăng cường hợp tác nhưng đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bài học về sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rất mới với châu Âu, một số quốc gia tại lục địa già vẫn đang trong quá trình khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng ấy. Chưa kể đến mối quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc vẫn căng thẳng trong vài năm trở lại đây. Nhiều biện pháp thuế quan và rào cản kinh tế đã được đôi bên thiết lập. Thế nên dù song phương rất thiện chí thì đôi bên sẽ cần nhiều thời gian hơn dự kiến để tháo gỡ từng vướng mắc và cùng nhau đàm phán lại từng lĩnh vực cụ thể.

Tuy nhiên, đối với mỗi quốc gia, không có đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích mới là vĩnh viễn. Trong bối cảnh cả Bruxelles và Bắc Kinh đều đang phải đối mặt với nguy cơ thuế quan mới của Washington, việc hai bên bỏ qua những khác biệt để cùng nhau hướng đến những lợi ích thiết thực có lợi cho song phương là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Dù vậy, với hai bài học mới gần như là "kinh điển", châu Âu đang nhanh chóng rút kinh nghiệm. Song song với việc củng cố quan hệ với Bắc Kinh, các lãnh đạo EU cũng đang tính đến bài toán mở rộng quan hệ và hợp tác với những trị trường tiềm năng mới ở khu vực Ấn Độ Dương hay Đông Nam Á nhằm nâng cao mức độ bảo đảm cũng Các chuyên gia địa bàn nhận định vẫn còn quá sớm để hướng đến một mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững giữa EU và Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh bài toán thuế quan của Mỹ vẫn chưa có gì là chắc chắn.

Bài liên quan
"Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc mang ý nghĩa quan trọng"
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang ý nghĩa và tính biểu tượng quan trọng đối với quan hệ hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hội nghị Trung ương 11: Thời điểm lịch sử - quyết sách đột phá
VOVLIVE - Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 sẽ thảo luận hàng loạt chủ trương lớn mang tính đột phá, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử.
Mới nhất