Không gian mạng - vùng “lãnh thổ đặc biệt” phải bảo vệ chủ quyền

Vân Anh/VOV.VN | 15/06/2023, 16:51

Bảo mật, an ninh mạng, an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã ngày càng khẳng định vai trò trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của các quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo khoa học về chủ đề “An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia” do Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức sáng 15/6, TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đánh giá, hội thảo có vai trò quan trọng trong việc xác định và làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng và mật mã, quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là quản trị an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia.

“Với việc xem không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” thì bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò của mình trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của các quốc gia. Đây là lần đầu tiên Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Báo chí Tuyên truyền để tổ chức hội thảo quy mô quốc gia. Những ý kiến thảo luận trong Hội thảo có ý nghĩa quan trọng phục vụ cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng về quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia tại Việt Nam”, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2022, Bộ Công an ghi nhận, phân tích gần 8 triệu cảnh báo, dấu hiệu hoạt động tấn công mạng. Hoạt động gián điệp mạng, phá hoại của các thế lực thù địch ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về chủ quyền, an ninh, chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội.

Hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin trọng yếu của an ninh quốc gia nhằm phá hoại cơ sở dữ liệu, gây gián đoạn hoặc chiếm quyền điều khiển diễn ra thường xuyên hơn. Vấn đề an ninh mạng đang đòi hỏi phải tiếp tục được nhận diện, luận giải, phân tích những điểm mới về mặt lý luận và thực tiễn, tìm kiếm những phương châm, giải pháp từ góc độ mật mã, góc độ quản trị để phòng ngừa, ứng phó, giải quyết có hiệu quả các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc.

“Chúng ta đều biết, đầu tư cho an toàn, an ninh mạng hiện nay khá thấp. Trong Chiến lược An toàn an ninh mạng quốc gia, Chính phủ đã phải đề xuất mức tối thiểu là 10% trong kinh phí chi cho khoa học và công nghệ, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; điều này phải được phân tách và hoạch định rõ hơn, vì định mức quá thấp sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu xây dựng an toàn, an ninh mạng”, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang đề xuất.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng, mật mã và quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia.

Hội thảo cũng làm sáng tỏ các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như cơ sở chính trị, pháp lý để đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đánh giá thực trạng của vấn đề, từ đó tham mưu, đề xuất các chủ trương và giải pháp cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng và cơ yếu cũng như tập trung nguồn lực cho quản trị an ninh mạng; đề xuất và kiến nghị các cơ chế, chính sách về văn hóa, sức mạnh mềm trong an ninh mạng, mật mã, chính sách quốc phòng an ninh, góp phần xây dựng văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng./.

Bài liên quan
Từ một loạt vụ tấn công mã hóa dữ liệu: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
"Mất bò mới lo làm chuồng” là điều không nên làm trong thời buổi công nghệ thông tin ngày nay. Nếu có “tài sản” từ tiền, thông tin, dữ liệu... mà bỏ quên, không được bảo vệ thì cực kỳ nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
30/4 trong ký ức nhân chứng lịch sử: Niềm vui như trong mơ
Năm nào cũng vậy, kỷ niệm ngày 30/4 ở TP. HCM luôn mang không khí lễ hội rất đặc biệt, vừa xúc động, tự hào, vừa phấn khởi, tưng bừng. Cảm xúc của những nhân chứng lịch sử đã từng chứng kiến Thành phố trong ngày 30/4/1975 càng đặc biệt hơn.
Mới nhất