“Check - in sống ảo” giờ đây được xem như một phong cách sống của nhiều bạn trẻ. Để có được bức hình hay đoạn clip sống ảo ưng ý, nhiều người thậm chí còn bất chấp đánh cược cả tính mạng của mình.
Mới đây, một bạn trẻ chỉ vì mong có được tấm hình độc đáo đã trèo ra "mỏm đá tử thần" ở Hà Giang để “check- in” và bị trượt chân té xuống vách núi phải cấp cứu, rất may còn giữ được mạng sống. Nguy hiểm là vậy, nhưng những sự việc tương tự vẫn cứ xảy ra.
Giới trẻ được gì, mất gì khi bất chấp an toàn để sống ảo. Hãy cùng “Chuyện hôm nay” bàn luận về nội dung này với sự tham gia của phượt thủ chuyên nghiệp Mai Trường Sơn.
Thực trạng “Check-in sống ảo” hiện nay
Là một người có kinh nghiệm đi phượt nhiều năm trên những cung đường mạo hiểm, anh Mai Trường Sơn đã thực hiện rất nhiều chuyến đi phượt để có cơ hội khám phá, trải nghiệm. Thế nhưng anh Sơn nhận thấy rất nhiều bạn trẻ coi mục đích chuyến đi của mình chỉ để có những tấm ảnh sống ảo để đăng tải lên mạng xã hội.
“Với cá nhân tôi, việc check in sống ảo không phải mục đích chính từ mỗi chuyến đi nhưng cũng là một phần không thể thiếu. Nói nôm na là đi chơi và phải có sản phẩm mang về. Sản phẩm đó là những bức hình, đoạn video đẹp để có thể khoe với bạn bè”
Đi phượt rất thú vị vì nó không những giúp mình có thêm những trải nghiệm mà còn có được nhiều bức ảnh check in sống ảo tuyệt đẹp nữa. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ dường như đã đi quá giới hạn khi bất chấp sự mất an toàn của bản thân để có được những tấm ảnh check-in đó.
Vì mải "check in sống ảo" để có được những bức ảnh đẹp nhưng đổi lại nhiều người đã phải trả giá cho những việc làm đó. Nhiều năm trước, cái chết của hai thành viên nhóm phượt “Dìm hàng Pro” trên cung đường khám phá miền Tây Bắc, song đến giờ vẫn khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng. Nhóm bạn trẻ trong chuyến du lịch tại huyện Văn Bàn chỉ vì quá mải mê chụp ảnh nên đã trượt chân ngã xuống suối và bị dòng nước chảy mạnh cuốn đi. Hai trong số sáu người phải bỏ mạng.
Hay cách đây hơn một tháng, tại tỉnh Lâm Đồng, lũ đã cuốn trôi 4 người khi tham gia tour trải nghiệm tuyến leo núi Bidoup huyện Lạc Dương. Hai du khách đã bị thiệt mạng trong tour du lịch băng rừng này.
Mới đây nhất, một nam du khách đã mạo hiểm leo lên mỏm đá tử thần ở Hà Giang để chụp ảnh, dù khu vực này đã có biển cảnh báo nguy hiểm. Đang "check in" thì du khách này không may trượt chân ngã xuống vách đá. Lực lượng cứu hộ và người dân đã phải mất hơn một giờ đồng hồ mới đưa được nạn nhân khỏi vách núi ở độ cao 13 m trong tình trạng bị chảy máu nhiều, với vết đá cắt chân dài 20 cm.
Có thể còn nhiều vụ việc đau lòng khác đã xảy ra mà báo chí, truyền thông chưa đưa tin từ việc đi phượt nhưng ít nhất những vụ việc này sẽ là bài học cho những người đang và sẽ chuẩn bị đi phượt.
Những chuyến đi phượt cũng có tỷ lệ tai nạn rủi ro như tham gia giao thông, cũng không tránh được. Nhưng chúng ta có thể hạn chế bằng cách khi gặp thời tiết nguy hiểm, chúng ta không nên thực hiện chuyến đi. Ví dụ như thời tiết sương mù thì chúng ta không nên di chuyển xe máy hoặc đang có mưa lũ thì chúng ta không nên băng qua dòng suối. Các lực lượng chức năng cũng nên đưa ra cảnh báo hoặc lệnh cấm vào những hôm thời tiết nguy hiểm để không ai còn gặp những trường hợp tương tự nữa.”
Tại những khu vực nguy hiểm, chính quyền địa phương đều có những biển cảnh báo nhưng các bạn trẻ vẫn bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của mình để chụp những bức ảnh chỉ để “câu like”. Trào lưu chụp ảnh “câu like” mang lại sự công nhận sự ngưỡng mộ của bạn bè xung quanh.
Và đó cũng là lý do chính giới trẻ đang quên mất đi mục đích chính của việc đi phượt là khám phá và trải nghiệm thay vào đó, họ bị sa đà vào việc chụp ảnh và đó là nguy cơ của việc có nhiều tai nạn tiềm ẩn khi đi phượt.
Tuổi trẻ thường thích khám phá những điều mới lạ và bất chấp nguy hiểm. Điều đó có nên hay không? Cùng nghe những chia sẻ từ những bạn trẻ đam mê đi phượt:
“Với một người thích đi những nơi mạo hiểm như mình thì việc tai nạn, đó chỉ là điều không may xảy ra. Khi mình đi, mình cũng phải chấp nhận những rủi ro và nguy hiểm trên đường đi. Có những địa điểm mà mình phải đến, nếu không đi thì rất lãng phí mặc dù nó rất nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và những người đồng hành khác.”
“Mình nghĩ những địa điểm nguy hiểm đến tính mạng con người thì chúng ta không nên đến đó.”
“Nếu đi phượt được coi là một trò mạo hiểm thì người đi phượt luôn tìm đến những nơi mạo hiểm nhất để khám phá và chinh phục. Bản thân người đi phượt cũng phải có kiến thức nền tảng cơ bản và hiểu rằng những nơi nguy hiểm nhất thì cũng phải cần những cái đồ bảo hộ để an toàn cho cá nhân cũng như cả đoàn đi. Rủi ro rất nhiều, có thể nặng nhất là đến cả tính mạng cho đến cái chuyện nhỏ là chấn thương.”
Sau khi nghe xong những chia sẻ từ những bạn trẻ đam mê đi phượt, anh Sơn rất đồng tình với những chia sẻ đó. Anh Sơn cho rằng việc đi phượt là một trò mạo hiểm nhưng chúng ta không nên mạo hiểm quá đến mức mà ảnh hưởng đến tính mạng. Chúng ta nên giữ lại một phần nào đó sẽ an toàn cho mình. Cuộc sống không có mạo hiểm thì sẽ rất nhàm chán nên chúng ta quyền mạo hiểm.
Tuy nhiên, chúng ta không nên khuyến khích sự mạo hiểm. Mạo hiểm một mặt nào đó sẽ tốt, sẽ giúp cuộc sống thêm màu sắc và sinh động hơn nhưng phải có chừng mực và phải biết điểm dừng để giữ lại sự an toàn cho bản thân và sau mình còn có gia đình, người thân, bạn bè.
Cần trang bị những gì trước khi đi phượt?
Để giảm thiểu những rủi ro khi đi phượt, trước tiên chúng ta cần trang bị kiến thức, nhất là kiến thức về cách ứng phó các kiểu hình thời tiết trước lúc khởi hành, nó sẽ ảnh hưởng đến an toàn đoàn đi phượt. Nắm bắt được những kiến thức về điều kiện thời tiết sẽ giúp chúng ta biết trước được đó là thời điểm nên đi hay không.
Bên cạnh đó, bây giờ đa phần mọi người sẽ đi phượt bằng xe máy nên cần phải tuân thủ luật giao thông. Hơn nữa, trên vùng cao đường núi quanh co, đèo dốc và sương mù nên cần chú ý về việc vượt xe đúng luật, không lấn làn đường để tránh gây ra tai nạn. Ngoài ra, cần kiểm tra phương tiện trước chuyến đi.
Vấn đề sức khỏe cũng rất quan trọng khi thực hiện các chuyến đi phượt. Nên chuẩn bị thuốc, đồ dùng cần thiết cho sức khỏe trong trường hợp bị ảnh hưởng từ các yếu tố thay đổi về môi trường, khí hậu.
Ngoài ra, cũng cần trang bị thêm những kĩ năng, thông tin cần thiết nơi mình cần đến. Chúng ta cần tìm hiểu rõ cung đường trong suốt hành trình của mình. Chúng ta có thể có được thông tin từ sách, báo hay Internet. Tiếp đến, chúng ta cần kiểm tra phương tiện di chuyển, cũng cần thiết khi trang bị thêm đồ bảo hộ và mũ bảo hiểm.
Cụ thể, với mũ bảo hiểm, chúng ta nên chọn mũ “full-face” chính hãng, tức là loại mũ bảo vệ và bao trùm toàn bộ vùng đầu. Ngoài ra, việc trang bị thêm đồ bảo hộ tay, chân chính hãng cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng của người đi phượt.
Có nhiều ý kiến lo ngại rằng những hành động liều lĩnh khi “Check in sống ảo” của một số bạn trẻ sẽ kích động sự tò mò và hiếu thắng của nhiều người khác. Điều này sẽ ngày càng có nhiều thêm những phượt thủ muốn thi gan và coi đây là một cách để chứng minh sức mạnh của bản thân. Sống là để trải nghiệm và không ít bạn trẻ cứ thích xách ba lô lên chu du khắp nơi mà không hề ý thức được rằng những điều bất cẩn có thể xảy ra và mang lại nhiều hậu quả.
Những rủi ro thường gặp khi đi phượt
Khi đi phượt trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, thông thường các phượt thủ sẽ đi bằng xe máy. Những vấn đề thường gặp nhất khi đi phượt đó là tai nạn giao thông. Ngoài ra, có thể bị hỏng xe, bị mất đồ hoặc gặp vấn đề sức khỏe do không quen thay đổi thời tiết tại khu vực đi đến hoặc là về vấn đề tiêu hóa.
“Tôi chỉ rút ra kinh nghiệm là không bao giờ lấn làn khi chạy xe ở cung đường Tây Bắc vì nếu bạn chủ quan lấn làng, kể cả lúc bạn nhìn thấy rõ phía trước có gì rồi nhưng nó sẽ thành thói quen. Rồi đến khi một trường hợp nào đó các bạn mất tập trung, các bạn sẽ chạy theo thói quen thì có thể xẩy ra vấn đề. Vì thế, suốt mười mấy năm chạy Tây Bắc tôi không bao giờ lấn sang làn ngược chiều. Thứ hai tôi luôn đeo bảo hộ và mũ bảo hiểm tốt. Thứ ba đoàn chúng tôi đi, chúng tôi không đi gần nhau, chúng tôi chạy theo đoàn nhưng có thể mỗi người cách nhau vài trăm mét hoặc hơn, đảm bảo cho là người chạy sau không bị giật mình bởi người chạy trước, không bị cuốn theo lối chạy của người đi trước.”
Để có được những chuyến phượt an toàn, ý nghĩa mang tính khám phá và trải nghiệm. Đầu tiên, cần xác định đó là những chuyến đi trải nghiệm, khám phá, đừng đặt mục tiêu đi phượt chỉ để “Check-in sống ảo”. Cũng rất quan trọng khi tìm kiếm được người dẫn đường có tâm, họ sẽ hướng dẫn chúng ta cách để chạy xe an toàn. Đặc biệt với những người mới đi phượt, không nên chạy xe quá khả năng của mình, cần chạy đúng tốc độ, không lấn làn.
Đi phượt không những giúp tinh thần chúng ta thoải mái mà còn có thêm những trải nghiệm ý nghĩa. Để được như thế, chúng ta cần lên kế hoạch chuẩn bị kỹ càng, như thế sẽ đem lại sự an toàn cho những người yêu phượt. Và hãy nhớ đừng bao giờ đùa giỡn tính mạng của bản thân chỉ để được sống ảo trong vài giây ngắn ngủi./.