Kể chuyện Đại tướng ở cự ly gần

08/10/2023, 08:51

Những mẩu chuyện nhỏ, một số tư liệu cá nhân, hồi ức của những người thân cận... góp lại để kể câu chuyện về người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chuyện từ những người thân cận

Tròn 10 năm sau ngày mất của vị anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân phối hợp cùng Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quảng Bình đã tổ chức sưu tầm, tuyển chọn, biên tập và xuất bản cuốn sách "Tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế với Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Cuốn sách dày hơn 400 trang, chia sẻ nhiều tư liệu quý, đắt giá về "chân dung văn" của Đại tướng, gián tiếp giải thích vì sao ông được gọi là vị tướng của lòng dân.

Bữa cơm giản dị của Đại tướng và phu nhân. (Ảnh: Trần Hồng).

Bữa cơm giản dị của Đại tướng và phu nhân. (Ảnh: Trần Hồng).

Đại tá Trần Hồng, người sở hữu hơn 2.000 ảnh chủ yếu chụp Đại tướng trong đời thường kể rằng: "Tôi ít chụp Đại tướng trong bộ quân phục mặc dù ông mặc rất đẹp, 4 sao lấp lánh, nhưng tôi muốn chụp đằng sau cái lấp lánh đó là một thứ gì đó rất nhân văn, giản dị, thu hút mọi thế hệ, mọi giai tầng".

Khi xem những bức ảnh Trần Hồng chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét: "Mặc dù trước có rất nhiều người chụp ảnh Đại tướng, nhưng đều là những bức ảnh từ xa, ngắm Đại tướng từ xa.

Còn Trần Hồng, ông lại nhìn gần. Nhiều khi không còn khoảng cách, như con ngắm cha, như cháu ngắm ông. Đó là cái nhìn của người thân trong một gia đình ấm cúng.

Như bức ảnh ông chơi với cháu. Ông bà dùng bữa cơm đạm bạc, rồi ông chơi đàn, ông tập thiền... những hình ảnh đó cho chúng ta hiểu được, Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng huyền thoại, ông còn là một người cha chu đáo, một người ông hiền từ, một nghệ sỹ phiêu lãng"…

Một câu chuyện cảm động khác được con gái ông Nguyễn Tấn Lực, thành viên Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn, cựu chiến binh Đoàn 559 chia sẻ.

Hay nghe tin Đại tướng qua đời, ông Lực khóc ròng. Con gái ông nói rằng, chưa bao giờ thấy ông buồn như vậy.

Ngay cả sau bão tan, nhà ông đổ sập mất một phía, vườn tược xác xơ ông cũng động viên vợ con: Còn người là còn tất cả, cốt sống sao cho vui, cho khỏe rồi có hai bàn tay là lại có nhà vững chãi, có cây cối mọc lên xanh tốt...

Ấy thế mà hai ngày nay ông hết nhìn thẫn thờ ra cửa sổ lại vào thế giới riêng của ông là góc bàn nhỏ nơi treo bức ảnh ông chụp chung với Đại tướng rồi cùng cây bút, quyển sổ ghi ghi chép chép. Bữa cơm dọn ra ông chỉ nuốt vội vài ba miếng, đêm đêm trằn trọc không ngủ...

"Quảng Bình là nhà tôi"

Có đến gần một nửa ký ức của những người ở lại dành cho Đại tướng có liên đới đến Quảng Bình, quê hương ông.

Chuyện kể rằng, lần cuối cùng khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi tàu hỏa về thăm quê, lúc này tuổi của ông đã cao. Ngày chia tay trở ra Hà Nội, các lãnh đạo tỉnh băn khoăn ý hỏi Đại tướng lúc nào ông có thể về Quảng Bình, Đại tướng cười bảo: "Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà".

Cuốn sách

Cuốn sách "Tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế với Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Nhà văn Nguyễn Thế Tường kể một câu chuyện rất thú vị: "Tình yêu quê hương luôn thường trực trong ông. Ở nơi trung tâm thủ đô, ông luôn dành và ưu tiên thời gian tiếp khách ở quê ra.

Nhiều lần có mặt trong các đoàn khách quê, tôi đều chứng kiến Đại tướng luôn thả lỏng trong trạng thái thân mật đời thường và luôn xin thêm thời gian. Một lần, đoàn văn nghệ sĩ Quảng Bình đang dự trại sáng tác ở Đại Lải (Vĩnh Phúc) đến thăm Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). "Bám càng" theo đoàn còn có một số nhân viên phục vụ của nhà sáng tác.

Như mọi lần tiếp khách quê hương, câu chuyện nhanh chóng vào chiều thân tình giản dị và thời gian lại trôi đi mà không ai để ý. Chúng tôi đề xuất được… hò khoan Lệ Thủy.

Bất ngờ, Đại tướng tỏ ra vô cùng hào hứng hoan nghênh. Giọng hò cất lên, cùng với mọi người, Đại tướng xố (hò theo) rất chuyên nghiệp khiến những khách "bám càng" vô cùng ngạc nhiên.

Bên ngoài cửa sổ, thấy thấp thoáng bóng quân phục của một chú lính bảo vệ tò mò từ vọng gác vào… "nghe trộm". Rồi Đại tá Huyên (trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) bước vào... Mọi người lập tức dừng lại.

Lần này, Đại tướng nói: “Cho mình thêm… mười phút!”. Và, cuộc "liên hoan văn nghệ dân gian" hò khoan Lệ Thủy, đặc sản của cư dân hai huyện lưu vực Kiến Giang lại tiếp diễn như không hề có sự bức bách về thời gian. Mười phút trôi qua, Đại tá Huyên lại bước vào, Đại tướng phá lệ, nói, gần như khẩn khoản: "Cho mình xin thêm… năm phút"…!".

Người quê Quảng Bình góp chuyện trong cuốn sách đều khẳng định: tuy xa quê từ sớm, sống ở Hà Nội, nhưng Đại tướng thường xuyên theo dõi tình hình quê nhà, ngày nào cũng đọc Báo Quảng Bình.

Về sau, sức khỏe không được tốt, Đại tướng yêu cầu đồng chí thư ký đọc, tổng hợp tình hình Quảng Bình hàng ngày báo cáo lại.

Nhiều sở thích của Đại tướng đều gắn với món ăn có xuất xứ từ quê hương Quảng Bình như cá bống kho của Lệ Thủy, bánh đa xúc hến, sò huyết nướng và bánh bèo Đồng Hới... Đây là những món mà lần nào về quê ông cũng ăn.

(Nguồn: Tiền Phong)

Bài liên quan
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người lính và đồng bào Tây Bắc
Với mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân Tây Bắc, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi. Đó không chỉ là câu chuyện về vị Tổng tư lệnh kiệt xuất gắn với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", mà còn là những khoảnh khắc gần gũi, sự quan tâm, yêu thương mà Đại tướng dành cho đồng bào nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất