Huyết áp tăng đột ngột, xử trí thế nào?

24/02/2025, 15:46

VOVLIVE - Xử trí tăng huyết áp cần được thực hiện nhanh chóng và đúng cách để tránh các biến chứng nguy hiểm như suy thận, mất thị lực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Thời tiết thay đổi các bác sĩ tim mạch thường xuyên nhận được nhiều cuộc gọi khẩn cấp về các cơn tăng huyết áp. Đây là cấp cứu hay gặp nhất về nội khoa ở lứa tuổi trung niên trở lên. Xử lý tương đối đơn giản nhưng nếu xử trí không đúng cũng có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận cấp.

Nếu huyết áp tăng cao kèm theo các triệu chứng như nhức đầu dữ dội, khó thở, đau ngực hoặc thay đổi thị lực, bạn phải nghĩ tới một trường hợp khẩn cấp về tăng huyết áp. Đây là cấp cứu nội khoa cần nhập viện.

Nếu chỉ số huyết áp vượt quá 180/120 cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế: Gọi xe cứu thương hoặc đến bệnh viện gần nhất. Nếu có bác sĩ gia đình việc liên hệ nhận các hướng dẫn là rất cần thiết.

Bác sĩ khuyến cáo mỗi ngày đo huyết áp 2 lần sáng - tối, ghi vào quyển sổ hoặc điện thoại để đưa cho bác sĩ xem khi tái khám. (Ảnh minh hoạ)
Bác sĩ khuyến cáo mỗi ngày đo huyết áp 2 lần sáng - tối, ghi vào quyển sổ hoặc điện thoại để đưa cho bác sĩ xem khi tái khám. (Ảnh minh hoạ)

Nếu chỉ số huyết áp dưới 180 tâm thu và 120 tâm trương, không có triệu chứng gì, chúng ta sẽ:

1. Giữ bình tĩnh: Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ, hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Căng thẳng có thể làm tình trạng tăng huyết áp trở nên trầm trọng hơn. Ngồi hoặc nằm trong tư thế thoải mái.

2. Đo lại huyết áp sau 5 phút, nếu huyết áp đã hạ dù chỉ 5mmHg hãy bình tĩnh đợi thêm 15 phút nữa để đo lại. Không đo liên tục vì sẽ gây căng thẳng khiến huyết áp lại càng tăng thêm.

3. Khi nào dùng thêm thuốc? Bạn sẽ chỉ sử dụng khi sau 15 phút huyết áp tâm trương không hạ.

4. Dùng thuốc thêm thế nào? Nếu có đơn hàng ngày, hãy dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ dẫn nhưng có thể uống giờ sớm hơn. Ví dụ 6h dậy thấy huyết áp tăng cao có thể lấy thuốc sáng uống luôn không cần đợi đến 7h như thông lệ.

Bạn không tự dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Đặc biệt, bạn không dùng những loại thuốc hạ áp mạnh như Adalat, Nifedipin tác dụng nhanh vì lợi bất cập hại. Huyết áp xuống rất nhanh sẽ gấy thiếu máu các tạng quan trọng như tim, não, thận. Các thuốc có thể sử dụng cần bảo đảm nguyên tắc hạ áp từ từ.

5. Làm gì sau khi bị cơn tăng huyết áp phải dùng thêm thuốc? Bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám. Nếu chưa dùng thêm hoặc tăng liều thuốc, lúc này chỉ cần thay đổi chế độ sinh hoạt tập luyện, đặc biệt chế độ ăn uống, huyết áp sẽ được bình. Bạn không đo huyết áp quá nhiều lần mỗi ngày, hãy đo 2 lần sáng - tối, ghi vào quyển sổ hoặc điện thoại để đưa cho bác sĩ xem khi tái khám.

PGS.TS NGUYỄN LÂN HIẾU(Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)
Bài liên quan
Loại rau quen thuộc là 'bạn thân' của gan nhưng nhiều người bỏ qua
Chủ động bảo vệ gan là điều cần thiết nhưng nhiều người bỏ qua, việc bổ sung các loại rau tốt cho gan là vô cùng quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đối xử công bằng, không phân biệt “nhân thân” người bệnh
VOVLIVE - Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, toàn ngành y tế nâng cao y đức trong cán bộ y tế, ngoài thực hiện thật tốt những lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành y thì mỗi thầy thuốc, bác sỹ, cán bộ công nhân viên ngành y tế ngoài làm thật tốt chuyên môn thì cần nâng cao y thức tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe bệnh.
Mới nhất