Hụt hẫng vì trường đại học yêu thích bỏ hình thức xét học bạ

02/11/2024, 10:15

VOVLIVE - Từ 2025, nhiều trường đại học giảm chỉ tiêu tuyển sinh, bỏ hình thức xét học bạ khiến nhiều thí sinh hụt hẫng.

Từ khi vào lớp 10, Nguyễn Khôi Nguyên (SN 2007, Trà Vinh) đã xác định vào đại học bằng hình thức xét học bạ. Được nhiều học sinh khoá trên tư vấn hình thức này dễ trúng tuyển đại học hơn, Nguyên đã lên kế hoạch học tập bài bản để sở hữu học bạ đẹp với số điểm các môn cao chót vót.

Nguyên có nguyện vọng trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM nhưng mới đây, trường này thông báo từ 2025 sẽ không tuyển sinh theo hình thức xét học bạ. Thông tin này khiến Nguyên hụt hẫng, bồn chồn.

Nhiều thí sinh hụt hẫng vì trường đại học bỏ xét học bạ. (Ảnh minh họa)
Nhiều thí sinh hụt hẫng vì trường đại học bỏ xét học bạ. (Ảnh minh họa)

Theo dõi các kỳ tuyển sinh trước, Nguyên cho hay để vào trường Đại học Sư phạm TP.HCM bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp rất khó. Đặc biệt, ngành sư phạm Lịch sử mà Nguyên muốn theo đuổi không chỉ lấy điểm đầu vào cao (28,6 điểm năm 2024) mà còn có tỷ lệ cạnh tranh gần như lớn nhất trong tất cả các ngành.

Do đó Nguyên cho rằng, xét học bạ là phương án "an toàn". Với sự đầu tư, cố gắng trong 3 năm học, Nguyên khá tự tin vào học bạ của mình. "Trường bỏ xét học bạ chắc em cũng phải tính phương án khác", Nguyên bày tỏ sự lo lắng. Vì dù là học sinh giỏi nhưng Nguyên không nắm chắc "phần thắng" khi xét tuyển vào trường Đại học Sư phạm TP.HCM bằng phương thức khác.

Cũng có chung sự hút hẫng, Trần Bảo Ngọc Châu (SN 2007, Hà Nội) buồn bã cho biết từ năm 2025, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng không tuyển sinh theo hình thức xét học bạ.

"Từ trước đến nay em vẫn đinh ninh trường xét học bạ vì cách đây 3 năm, chị gái em từng đỗ nhờ phương thức này. Gần đây đọc báo em mới biết trường đã bỏ tuyển sinh theo cách này từ năm nay", Châu nói.

Theo tìm hiểu của nữ sinh Hà Nội, những năm trước, trường Đại học Kinh tế Quốc dân lấy khoảng 10-15% chỉ tiêu xét học bạ. Đây là ngôi trường được đánh giá cao, lượng thí sinh mỗi năm đều lớn do đó để cạnh tranh có 1 vé vào trường không phải điều đơn giản.

Muốn trở thành sinh viên trường này chỉ còn ba lựa chọn: xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp hoặc xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Tuy nhiên Châu không có giải học sinh giỏi và chứng chỉ ngoại ngữ nên không thể xét theo hai phương thức đầu.

"Nếu giờ mới học để thi chứng chỉ tiếng Anh thì tốn kém quá", Châu cho hay sẽ chăm chỉ ôn thi để có đểm tốt nghiệp cao vì đây là con đường duy nhất nữ sinh này có thể chọn lựa.

Ngoài trường Đại học Sư phạm TP.HCM, trường Đại học Kinh tế Quốc, nhiều trường khác cũng bỏ phương thức xét tuyển học bạ từ năm sau.

Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết năm 2025 vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm nay, trường không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ. Từ năm 2022 trở về trước, trường cũng chỉ dùng điểm học bạ là điều kiện khi tuyển sinh theo các phương thức khác. Tuy nhiên hiện tại trường đã bỏ yêu cầu này.

Trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Luật TP.HCM cũng không xét tuyển bằng học bạ vì lo ngại thiếu công bằng cho các thì sinh vì quy chuẩn thi và tính điểm ở mỗi trường THPT là khác nhau. 

Một số chuyên gia khuyến nghị nên bỏ tuyển sinh dựa vào học bạ vì đây là hình thức tuyển sinh sớm, sinh ra nhiều hệ luỵ. 

PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết đa số các trường xét tuyển sớm đều vào thời điểm học sinh lớp 12 còn chưa kết thúc chương trình THPT, điều này không hợp lý.

"Chưa kể trong công tác tuyển sinh, có những trường yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng xét tuyển sớm lên đầu trong thứ tự nguyện vọng đăng ký lên hệ thống. Việc này vừa không công bằng giữa các cơ sở đào tạo vừa làm mất cơ hội của thí sinh", PGS.TS Phúc nói.

Thầy Đinh Xuân Phúc (Giảng viên Trung tâm Toán học Mathfun) khuyên học sinh không nên "đặt cược" vào một hình thức xét tuyển nào bởi điều này sẽ khiến các em tự giới hạn cơ hội của mình.

Việc chỉ chăm chăm vào một phương thức duy nhất mang đến nhiều rủi ro vì mỗi năm, quy chế tuyển sinh của mỗi trường đều có sự thay đổi chưa kể những biến động trong kỳ thi tốt nghiệp. "Do đó các em nên học thật thi thật và linh hoạt với các hình thức xét tuyển", thầy Phúc nói.

Hiểu Lam
Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới"
VOVLIVE - Trao đổi với các học viên cán bộ quy hoạch Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, cần phải có kế hoạch dài hạn để đạt được mục tiêu đã đề ra. Bởi thế giới đang thay đổi liên tục, chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới.
Mới nhất