Hơn 66.000 lượt khách đi tàu Nhổn - Cầu Giấy sau 3 ngày vận hành miễn phí

Phi Long/VOV.VN | 11/08/2024, 15:59

Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, trong ngày thứ 3 chạy tàu thương mại (từ 8-10/8) và đang miễn phí vé, tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn Nhổn - Cầu Giấy đã đón số lượng khách tăng kỷ lục, lên tới 66.078 lượt đi tàu.

Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, trong số các ga trên tuyến từ Nhổn - Cầu Giấy, số lượng hành khách vào 2 ga đầu - cuối là ga Nhổn (18.253 lượt) và ga Cầu Giấy (16.668 lượt) cao hơn nhiều lần so với các ga còn lại. 

Ngay sau khi chạy tàu chính thức, số hành khách đi trải nghiệm tăng đáng kể. Cụ thể, ngày 8/8 khoảng 35.000 lượt, ngày 9/8 tăng lên hơn 42.000 lượt hành khách. Trong ngày 9/8, do quá đông, tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội phải dùng tới vé giấy cho hành khách lên tàu trải nghiệm.

Để phục vụ vận hành các đoàn tàu, trong ngày 8/8, cả chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và đơn vị vận hành đã huy động hơn 300 nhân lực gồm cán bộ, kỹ sư, nhân viên lái tàu, nhân viên điều phối tại 8 ga của đoạn trên cao hướng dẫn, phục vụ người dân tiếp cận ga, lên tàu.

“Tuy nhiên, lượng khách liên tiếp tăng phá vỡ những "kỷ lục" trước đó. Dù trong tiết trời nắng nóng, ngày 10/8, người dân vẫn rất hào hứng với phương tiện giao thông công cộng mới của Thủ đô khi có tới 66.078 lượt đi trải nghiệm”, đại diện MRB thông tin. 

Sau hơn 14 năm thi công, tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành đoạn trên cao và chính thức khai thác thương mại từ ngày 8/8. Trong 15 ngày đầu tiên, hành khách được miễn phí khi đi tàu.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven Thủ đô vào sâu trong nội thành, khi khai thác sẽ giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.

Đối với hệ thống giao thông kết nối, dọc trục tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có 36 tuyến buýt đang hoạt động. Trong đó, có 33 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá.

Ngoài ra, trên tuyến cũng có 2 điểm trung chuyển khách tại Cầu Giấy và Nhổn, 32 điểm dừng xe buýt ở cả 2 chiều.

Hiện tuyến cũng đã hoàn tất kết nối với hệ thống xe buýt. Đáng chú ý, dọc tuyến metro Nhổn- ga Hà Nội cũng bố trí 10 điểm đỗ xe trong phạm vi bán kính 500m thuộc 8 nhà ga để phục vụ người dân đi tàu.

Những nơi có điểm đỗ xe gồm: Cầu Giấy, La Thành, cầu Mai Dịch, nút giao Mai Dịch, phố Khúc Thừa Dụ, đường Nguyễn Phong Sắc, phố Trần Quý Kiên và hè phố Cầu Giấy.

Theo đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, ý tưởng của thiết kế tàu được lấy cảm hứng từ các gam màu thân thiện với thiên nhiên, màu xanh mang ý nghĩa hình ảnh của thủ đô Hà Nội và thể hiện vẻ đẹp hiện đại, năng động; kết hợp gam màu đỏ hồng của quả thanh long đại diện cho nông sản Việt Nam. 

Các gam màu này tạo cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu cho thị giác. Bên trong tàu sử dụng màu trắng và xanh lá mạ, màu đỏ hồng làm điểm nhấn mang lại cảm giác rộng rãi cho hành khách. 

Tàu được thiết kế theo công nghệ mới, tiêu chuẩn châu Âu, trang bị đầy đủ các tiện nghi hiện đại như hệ thống điều hòa không khí, thông gió, hệ thống loa, camera trong tàu và phía trước tàu. Tàu được chiếu sáng bằng đèn LED, tự động điều chỉnh độ sáng đối với đoạn trên cao và đoạn đi ngầm.

Trên các toa tàu có không gian dành cho xe lăn của người khuyết tật, ghế ngồi dành riêng cho người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em.

Đặc biệt, nhà ga thiết kế theo không gian mở, hai bên nhà ga có cửa đón gió tự nhiên. Do đó, trên các nhà ga không sử dụng điều hòa. 

Đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy, bao gồm 8 ga: Nhổn (S1); Minh Khai (S2); Phú Diễn (S3); Cầu Diễn (S4); Lê Đức Thọ (S5); Đại Học Quốc Gia (S6); Chùa Hà (S7); Cầu Giấy (S8).

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro cho biết, với khả năng vận chuyển mỗi giờ được từ 15.000 đến 20.000 khách, nếu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội hoạt động hết công suất sẽ giảm được lượng lớn xe cá nhân di chuyển trên trục đường QL32 từ Cầu Giấy đi Nhổn.

Theo ông Trường, khi chưa có tàu Cát Linh - Hà Đông thì trên tuyến đường QL6 từ Ngã Tư Sở đi Yên Nghĩa dài 10 km thường xuyên ùn tắc và có đến từ 5 - 7 điểm thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Tuy nhiên, từ khi tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, từ năm 2021 đến nay liên ngành Sở GTVT - Công an đã thông báo các điểm ùn tắc tại đây liên tục giảm. 

Tất nhiên, việc giảm xe cá nhân, giảm các điểm ùn tắc cần nhiều giải pháp, tuy nhiên việc mỗi giờ, nhất là thời gian cao điểm tàu Cát Linh - Hà Đông chở được hàng nghìn khách thì số lượng xe cá nhân và người đi trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Hà Đông sẽ giảm đi nhiều. 

Cùng với đó, với chiều dài 13 km, vào giờ cao điểm từ Cát Linh đi bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) và ngược lại nếu đi ô tô, xe máy phải hết từ 45 phút đến 1 giờ, nhưng nếu di chuyển trên tàu điện thì chỉ hơn 20 phút, hành trình này vận chuyển luôn ổn định, đúng giờ và không bị phụ thuộc vào tình hình giao thông trên các tuyến phố, thời tiết.

Trong 3 tháng đầu, metro mở tuyến lúc 5h30 và đóng tuyến lúc 22h. Thời gian chạy tàu đều đặn 10 phút/chuyến. Trong thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.

Về giá vé: Vé lượt (vé chặng), hành khách đi một ga 8.000 đồng và đi cả tuyến 12.000 đồng/lượt. Vé ngày giá 24.000 đồng, hành khách được đi trong ngày và không hạn chế số lượt. Vé tháng hạng phổ thông 200.000 đồng/tháng, học sinh, sinh viên là 100.000 đồng/tháng. Vé tập thể: 140.000 đồng/tháng.

Bài liên quan
Bất động sản quanh vành đai 4 lại 'nổi sóng'
VOVLIVE - Thời gian gần đây, thị trường đất nền gần dự án Vành đai 4 đang ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt, nhiều nơi tăng 30% so với đầu năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất