Theo Nghị quyết này, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ dành hơn 45 tỷ đồng để hỗ trợ các nhà vườn nằm trong danh mục cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Theo Nghị quyết, tổng mức kinh phí dành cho hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng và nhà rường cổ là 45,2 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh là 28,3 tỷ đồng, ngân sách huyện, thành phố 12,1 tỷ đồng cùng nguồn xã hội hóa 4,8 tỷ đồng.
Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục hỗ trợ các chủ nhà vườn đặc trưng ở các phường Thủy Biều, Kim Long của thành phố Huế; ở làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền và mở rộng đối với các nhà rường cổ ở Bao Vinh, phường Hương Vinh, thành phố Huế. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện 5 nhóm chính sách, gồm: hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ; hỗ trợ tổ chức kinh doanh, khai thác, phát triển dịch vụ du lịch tại nhà vườn Huế đặc trưng và nhà rường cổ; hỗ trợ quy hoạch xây dựng và đầu tư hạ tầng; hỗ trợ tài chính tín dụng; hỗ trợ quản lý, bảo vệ.
Mức hỗ trợ này sẽ tăng khoảng 30% so với mức hỗ trợ từ Nghị quyết năm 2015 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, chủ nhà vườn Huế đặc trưng loại 1 sẽ được hỗ trợ kinh phí 1 tỷ đồng mỗi nhà để trùng tu, bảo tồn; nhà vườn loại 2 được hỗ trợ 800 triệu đồng nhà và loại 3 là 600 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, việc hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu nhà sẽ không quá mức 50 triệu đồng/nhà.
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Lần này là hỗ trợ nâng lên 30%, như nhà vườn loại 1 trước đây là 700 triệu thì bây giờ là một tỷ, khi đó mới đủ điều kiện để hỗ trợ cho người dân để thực hiện được. Thứ 2 là sinh kế, trong chính sách đã đưa ra rất rõ, cả việc hỗ trợ cải tạo vườn, hỗ trợ cho họ làm dân sinh trong việc vay vốn không có lãi để họ kinh doanh. Mục đích chính đó là bảo tồn được hệ thống nhà rường-di sản văn hóa Huế./.”