Hội Nhạc sĩ Việt Nam kỷ niệm 65 năm thành lập và trao giải thưởng âm nhạc 2022

Lê Anh/VOV.VN Ảnh: BTC | 24/12/2022, 08:33

Tối 23/12, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Hội và trao giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ năm 2022 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam ôn lại chặng đường 65 năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tự hào là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

65 năm qua là chặng đường phấn đấu, trưởng thành và lớn mạnh không ngừng cả về tổ chức, đội ngũ. Tiêu biểu cho sự phát triển này là những thành tích xuất sắc mà Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao Vàng; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến nay đã có 22 nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 122 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, 70 Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, gần 300 Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Ưu tú. Một dấu son trên chặng đường 65 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam được Đảng và Nhà nước cho phép lấy ngày 3/9 hàng năm làm Ngày Âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ năm 2010.

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định: Bước vào thời kỳ mới, tiếp tục sự nghiệp sáng tạo của thế hệ nhạc sĩ đi trước, lớp nhạc sĩ kế cận và các nhạc sĩ trẻ vẫn duy trì định hướng “Đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân”. Hội viên Hội Nhạc sỹ tiếp tục cống hiến hết mình trong hoạt động âm nhạc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

"Tự hào với truyền thống, vững tin vào tương lai, với tinh thần Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Hội nhập, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam nguyện đồng hành cùng dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh cho biết.

Nhạc sĩ Huyền Ngọc, đại diện thế hệ các nhạc sĩ trẻ phát biểu: "Chúng tôi biết ơn những đóng góp của các thế hệ nhạc sĩ đã cống hiến để có ngày hôm nay, cho chúng tôi thế hệ trẻ được sống, được viết, được tiếp tục cống hiến. Chúng tôi luôn xác định trách nhiệm kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, tiếp tục phấn đấu, phát huy tính sáng tạo, phản ánh tính chân thực trong cuộc sống, để góp phần cổ vũ, động viên, thôi thúc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". 

Cùng trong dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao giải thưởng âm nhạc năm 2022 cho hơn 70 tác phẩm xuất sắc. PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của giải thưởng âm nhạc năm nay cho biết Ban tổ chức đã nhận được 261 tác phẩm của 261 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước gửi tham dự, thuộc các thể loại: thanh nhạc, ca khúc thiếu nhi, giao hưởng, thính phòng (độc tấu - tứ tấu - hòa tấu nhạc cụ), hợp xướng và ACappelle, ca khúc nghệ thuật, chương trình biểu diễn, công trình lý luận, (gồm sách biên soạn và các tập bài báo về âm nhạc).

Đánh giá chung về chất lượng các tác phẩm, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, về thể loại khí nhạc, nhiều đề tài có tính dân tộc, đậm nét âm nhạc truyền thống. Các tác giả đã biết tìm tòi cái mới mẻ, có sự kết hợp khá tốt giữa âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống, vừa có sự kế thừa vừa tiếp thu một cách có chọn lọc những thành tựu của âm nhạc thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế về hòa âm, phối khí, tạo hiệu quả với thể loại nhạc không lời...Về thanh nhạc cũng có nhiều khởi sắc, đặc biệt về khâu dàn dựng tác phẩm, ghi nhận sự đóng góp của các ca sĩ, nhạc công, phòng thu. 

Các công trình về lý luận phê bình, thể loại dự thi khá phong phú, bao gồm sách nghiên cứu và biên soạn, các bài báo nghiên cứu lý luận và phê bình âm nhạc. Tuy nhiên, phần nội dung nhiều tác phẩm còn dàn trải, phần lý luận chưa đạt mức chuyên sâu...

Dựa vào các tác phẩm gửi về, ở mảng ca khúc, Hội đồng nghệ thuật trao 4 giải A, 15 Giải B, 13 Giải C và 11 giải khuyến khích. Trong đó, các tác phẩm đoạt giải A gồm: “Duyên” của tác giả Huỳnh Tấn Phát (Phú Yên); “Ơi con sông mặt trời” của tác giả Nguyễn Đình Nghĩ (Lâm Đồng); “Chúc mừng năm mới” của tác giả Nguyễn Như Thắng (Hà Nội); “Tự hào là người lính” của tác giả Huyền Ngọc (Hà Nội).

Thể loại ca khúc thiếu nhi, 1 giải A là tác phẩm “Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh” của tác giả Tạ Duy Tuấn (Hà Nội). Hội đồng Nghệ thuật còn trao 1 giải B, 3 giải C và 1 giải Khuyến khích cho các tác phẩm có chất lượng.

Mảng khí nhạc, thể loại giao hưởng không có tác phẩm được giải A, B, C, Hội đồng nghệ thuật trao giải Khuyến khích cho 2 tác phẩm: “Âm sắc Cố Đô” (Tranh Giao hưởng) của Lê Quang Vũ (Thừa Thiên - Huế) và tác phẩm: “Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố anh hùng” (Symphony - Orchestra) của Đặng Văn Bông (TP. Hồ Chí Minh).Thể loại hợp xướng không có giải A, Hội đồng nghệ thuật trao 1 giải B, 2 giải C, 4 giải Khuyến khích cho các tác phẩm chất lượng.

Ca khúc Thính phòng không có giải A, B. Giải C thuộc về tác phẩm: “Tình biển” (Độc tấu Tam Thập Lục cùng dàn nhạc) - Nguyễn Thúy My (Hà Nội) và 1 giải  khuyến khích cho tác giả Trần Luận (Hà Nội) với tác phẩm "Đất dừa" (Solo Tiêu và dàn nhạc đệm).

Giải Chương trình biểu diễn nghệ thuật xuất sắc được trao cho chương trình đêm nhạc “Tổ quốc tôi” của Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và Chương trình đêm nhạc “Cánh chim biển” của Phạm Nguyễn (Hải Phòng).

Mảng lý luận, thể loại sách biên soạn, Hội đồng nghệ thuật đã trao 1 giải B cho tác phẩm “Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc” của tác giả Nguyễn Bách (Thành phố Hồ Chí Minh) và 1 giải C, 2 giải Khuyến khích cho các tác phẩm chất lượng.

Thể loại báo chí, Giải A thuộc về “13 bài báo viết về âm nhạc” của tác giả Phan Thuận Thảo (Thừa Thiên - Huế). Ngoài ra, Hội đồng nghệ thuật còn trao 1 Giải B và 1 Giải C cho các tác phẩm báo chí chất lượng./.

Bài liên quan
Âm nhạc phải gắn liền với công chúng, phải đi sâu vào đời sống
Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và UBND tỉnh Điện Biên đã phát động Tháng âm nhạc “Bài ca Điện Biên” với mong muốn khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng và "tinh thần Điện Biên" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất