Hướng tới chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và UBND tỉnh Điện Biên đã phát động Tháng âm nhạc “Bài ca Điện Biên” với mong muốn khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng và "tinh thần Điện Biên" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực Đông Bắc phỏng vấn PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam về nội dung này:
PV: Tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa khai mạc Trại sáng tác Ca khúc chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ quy tụ nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ cả nước tham gia. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Các nhạc sĩ sáng tác chủ yếu về đề tài Điện Biên; Điện Biên trong lịch sử, vẻ vang trong quá khứ cũng như Điện Biên ngày hôm nay, trong sự đổi thay hôm nay. Đây cũng là chủ đề không những được phát động từ bây giờ mà đã được hướng tới từ năm 2023 trở về trước.
Để có được những tác phẩm sáng tác trong một thời gian ngắn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã kết hợp với các đơn vị như Thời báo Văn học nghệ thuật, Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật của 63 tỉnh, thành vận động các anh chị em làm công tác sáng tác âm nhạc tham gia. Chúng tôi cũng sẽ có một cuộc tổng kết vào tháng 5 trên phạm vi toàn quốc. Đối với Điện Biên Phủ chúng ta đã có rất nhiều ca khúc trong những ngày tháng chiến dịch của những năm 1953, 1954 như Hò kéo pháo của Nhạc sĩ Hoàng Vân, Qua miền Tây Bắc của nhạc sĩ Nguyễn Thành và đặc biệt là chùm 3 ca khúc Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, và Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận… Tiếp thu truyền thống đó, các thế hệ sau này đã có rất nhiều bài hát hay về Điện Biên. Qua Trại sáng tác lần này thì chúng tôi hy vọng các nhạc sĩ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng sẽ cho khán giả được thưởng thức những tác phẩm mới ra đời còn đầy ắp những cảm xúc, đầy ắp những sự tri ân đối với sự kiện lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ.
PV: Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, âm nhạc được coi là mũi nhọn trên mặt trận văn hóa, đặc biệt trong chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 với rất nhiều ca khúc cổ vũ, động viên tinh thần quân và dân. Đến nay, những ca khúc ấy vẫn khẳng định sức sống trong lòng người yêu nhạc. Tại sao những khúc ca ấy lại có giá trị to lớn và vai trò quan trọng như vậy, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Tôi cho rằng đọc lại lịch sử thì thấy rằng các nhạc sĩ, giới văn, nghệ sĩ lúc đó trong đó có cả họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà nhiếp ảnh… nhưng lực lượng xung kích nhất là văn công, trong văn công ngoài ca sĩ, nhạc công thì còn có lực lượng là nhạc sĩ và tất cả các cô, bác, anh, chị đầu tiên đều là những người chiến sĩ, ý thức là chiến sĩ họ đi tham gia một chiến dịch vĩ đại của dân tộc nên trong ý thức về dân tộc với lòng yêu nước, với sự tự hào đó họ luôn luôn nghĩ rằng sự cống hiến của cá nhân mình là góp phần vào chiến dịch, góp phần vào những chiến công, chiến thắng của quân và dân ta. Cái tâm thế của các văn, nghệ sĩ lúc đó rất hào hùng, rất tự hào, hơn nữa đó là không khí của toàn quân, toàn dân tất cả vì Điện Biên, tất cả vì chiến thắng nên đã tạo thành không khí, tạo thành môi trường thích hợp cho công việc sáng tạo, tạo cho những cảm xúc, những chi tiết, những hình ảnh, những nhân vật lịch sử để qua đó các nhạc sĩ rung động, xúc động, từ đó có được những tác phẩm.
Phần lớn các nhạc sĩ của chúng ta lúc đó chưa phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, họ chỉ là những người có năng khiếu, yêu thích nghệ thuật, âm nhạc nhưng lại biết dùng nghệ thuật đó để phục vụ trực tiếp cho quân và dân, phục vụ trực tiếp cho những nhiệm vụ về chính trị, quân sự, và một trong những nhiệm vụ đó là khơi dậy được lòng tự hào, sự hy sinh dũng cảm và niềm tin về chiến thắng. Vì vậy những tác phẩm đó ra đời tuy rằng thời gian khác nhau, trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng những giai điệu đó đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của những người lính đang cầm súng, đang trực tiếp ra mặt trận. Cũng chính công chúng, lực lượng dân công, bộ đội, nhân dân là người đã giữ gìn và phổ biến những giai điệu đó cho đến tận bây giờ. Tôi cũng cho đây là một bài học về văn hóa dân tộc, bài học về huy động tài năng, lực lượng các văn nghệ sĩ để thực hiện những nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ đưa văn hóa, đưa văn học nghệ thuật đến với những sự kiện lớn, góp phần vào những sự kiện lớn của đất nước.
PV: Vậy theo nhạc sĩ, trong giai đoạn hiện nay, giới văn, nghệ sĩ cần phải làm gì để nâng cao giá trị sản phẩm âm nhạc, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đối với quá trình sáng tác cũng như các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc đặc biệt là phải gắn liền với công chúng, phải đi sâu vào trong đời sống. Chúng ta hiểu rằng cần phải tổ chức các đoàn đi thực tế, rồi tiếp cận với những mũi nhọn trong đời sống và xã hội về công nghiệp, nông nghiệp, những điển hình tiên tiến, hay những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn lớn, thì tôi nghĩ đấy cũng là một bài học. Nếu như chúng ta không đắm mình trong thực tế đời sống sinh động, vô cùng phong phú và luôn luôn biến động thì chúng ta rất khó có được những chất liệu để sáng tạo. Hơn nữa trước khi mỗi một cá nhân mà nghĩ mình là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ thì trước tiên cần phải nghĩ rằng phải là một người yêu nước, phải là một công dân với đầy đủ ý thức trách nhiệm của mình thì chúng ta mới cảm nhận được sự tươi đẹp, sự phát triển, sự phồn thịnh của đất nước từng ngày, từng giờ. Và trên những nền tảng đó mới có thể nuôi được những cảm xúc và cho phép ra đời những ý tưởng hay, những giai điệu hay, và bên cạnh đó sẽ có được những tác phẩm góp phần để tham gia vào dòng chảy chính thống của nền văn nghệ nước nhà.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân!