Hé lộ dàn vũ khí tạo nên thế trận vững chắc của Nga khi tấn công Ukraine

Hồng Anh/VOV.VN | 26/09/2023, 08:45

Theo Business Insider, có 4 loại vũ khí đặc biệt quan trọng mà Nga sử dụng nhằm tạo ra thế trận vững chắc giúp mang lại lợi thế cho các lực lượng nước này.

Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã nhiều lần điều chỉnh chiến lược tác chiến khi các lực lượng nước này đối mặt với sự kháng cự quyết liệt của Ukraine. Moscow đã sử dụng cả các loại vũ khí hiện đại và các loại vũ khí có từ thời Liên Xô để lật ngược tình thế khó khăn trên chiến trường.

Trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52

Ka-52 là một trong những trực thăng tấn công tốt nhất và cơ động nhất trên chiến trường. Nó có thể bay với vận tốc tối đa 300 km/h, hoạt động ở độ cao gần 5,5 km, ngoài tầm bắn của hầu hết các loại vũ khí bộ binh. Ka-52 có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ở bất cứ thời gian nào cả ngày lẫn đêm.

Trực thăng được trang bị pháo cỡ 30mm, ngoài ra còn có tên lửa chống tăng IKHR, tên lửa ATAKA, bệ phóng tên lửa B8V-20 và tên lửa phòng không IGLA-V, tùy thuộc vào từng nhiệm vụ.

Thiết kế cánh quạt đồng trục ngược chiều giúp Ka-52 gia tăng khả năng cơ động và bay cao hơn so với các máy bay trực thăng chỉ có một cánh quạt chính. Ka-52 có thể bay ngược với vận tốc 130km/h và bay ngang với tốc độ 100km/h cũng như thực hiện các thao tác bay nhào lộn trên không phức tạp.

Báo cáo của NASA cho rằng: “Đối với trực thăng thông thường, cánh quạt chính phải phân phối điện năng cho cả nó lẫn cánh quạt đuôi, còn với Ka-52, toàn bộ năng lượng sẽ được dồn cho cánh quạt đồng trục để tạo ra lực đẩy thẳng đứng. Do vậy, năng lượng không bị lãng phí cho việc kiểm soát điều hướng hoặc thiết bị chống xoay. Việc tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cánh quạt đồng trục đạt trần bay cao hơn so với cánh quạt thông thường”.  

Ka-52 đã trở thành “cái gai trong mắt” Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, đặc biệt là khi Kiev tiến hành cuộc phản công lớn từ tháng 6/2023. Bộ Quốc phòng Anh cho rằng đây là “một trong những loại vũ khí quan trọng nhất” của Nga khi nước này thực hiện các hoạt động quân sự xung quanh tỉnh Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine.

Trực thăng “Cá sấu” đã phá hủy nhiều phương tiện chiến đấu của Ukraine như xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley do Mỹ sản xuất hay xe tăng Leopard 2 do Đức chế tạo. Nhưng phi đội Ka-52 của Ukraine đã sụt giảm đáng kể về số lượng trong suốt cuộc chiến do các hệ thống phòng không mà Kiev sử dụng để chống lại máy bay.

Mìn chống tăng và mìn chống bộ binh

Cuộc phản công của Ukraine diễn ra chậm hơn nhiều so với tiến độ, một phần là do các bãi mìn dày đặc của Nga. Khi xuyên phá tuyến phòng thủ của Nga, Ukraine phải bỏ lại nhiều xe bọc thép và điều bộ binh tiến về phía trước, thậm chí phải rà phá bom mìn một cách thủ công.

Ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cho biết, quy mô các bãi mìn của Nga rất lớn: “Đối phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để dối phó với cuộc phản công của chúng tôi. Có rất nhiều khu vực đã bị gài mìn dày đặc”. Ngoài ra, Nga đang tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 số lượng mìn tại một khu vực nhất định, nhằm “đặt các mục tiêu có giá trị cao” của Ukraine vào tình huống nguy hiểm, đe dọa khả năng sống sót của chúng.

Các binh sỹ Ukraine cho biết, đây là vũ khí đáng lo ngại nhất trong quá trình phản công. Ở một số khu vực có tới 5 quả mìn trên mỗi m2. Ngoài việc gây sát thương binh sỹ đối phương, mìn còn giúp Nga cản bước của các đơn vị tiến công Ukraine, khiến họ dễ bị tấn công bằng các cuộc không kích, tên lửa và đạn pháo.

UAV Lancet

Nga đã tận dụng các loại máy bay không người lái cỡ nhỏ như UAV cảm tử Lancet để tấn công xe bọc thép, các đơn vị pháo binh và nhiều thiết bị quân sự khác của Ukraine.

UAV Lancet do công ty con của tập đoàn vũ khí Kalashnikov của Nga chế tạo, ra mắt lần đầu tiên vào năm 2019. Với tốc độ 300km/h và mang theo đầu đạn nặng 1kg, Lancet đã chứng minh hiệu quả trên chiến trường.

Nga hiện đang sử dụng phiên bản nâng cấp của UAV này phá hủy các mục tiêu ở Ukraine. James Patton Rogers, một chuyên gia về máy bay không người lái tại Đại học Nam Đan Mạch cho rằng, phiên bản này có tải trọng lớn hơn và độ chính xác cao hơn.

Theo ông Patton Rogers, máy bay không người lái này thường phát huy hiệu quả nhất khi chống lại các mục tiêu như xe tăng cũ, xe bọc thép hạng nhẹ và hệ thống pháo binh, thậm chí UAV của đối phương.

Bom lượn từ trên không

Ngoài những loại vũ khí trên, bom lượn của Nga cũng được coi là “cơn ác mộng” đối với các binh sỹ Ukraine. Nga đã biến bom cũ thành bom dẫn đường bằng việc gắn thêm thiết bị cải tiến (mô đun dẫn đường và lượn). Những quả bom gắn UMPK khi được phóng từ độ cao lớn, di chuyển với tốc độ cao có tầm bắn hiệu quả trên 50km, có thể giáng đòn nặng nề vào các phòng tuyến và hậu phương của Ukraine.

Theo ông Oleksiy Melnyk – chuyên gia quân sự tại Trung tâm Razumkov, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Kiev cho biết, bom lượn đặt ra thách thức đáng kể cho cuộc phản công của Ukraine. New York Times đưa tin, những quả bom có trọng lượng từ 500kg đến 1,5 tấn chỉ bay trên không trong một khoảng thời gian ngắn, khiến việc phát hiện mục tiêu và đánh chặn rất khó khăn. Ngoài ra, Nga cũng sửa đổi một số tên lửa để chúng có thể bay lướt ở khoảng cách xa hơn.

Bài liên quan
Xe tăng chiến lợi phẩm từ Ukraine giúp Nga tạo đạn chống tăng mới
VOVLIVE - Sau khi thu giữ những phương tiện chiến đấu của Ukraine, các chuyên gia Nga đã nghiên cứu kỹ lớp giáp của chúng để tìm ra cách đối phó hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất