Hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi và phức tạp

Thu Hằng/VOV2 | 13/12/2022, 15:10

Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/11/2022 với nhiều quy định mới về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền...

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền 2012, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Căn cứ quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền 2012 và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), các hành vi được quy định là rửa tiền bao gồm:

Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Trong đó: Tiền sử dụng trong hoạt động rửa tiền bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ; có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản.

Tài sản trong hoạt động rửa tiền bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó (Theo khoản 1, 2 Điều 1 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP)

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các hành vi rửa tiền càng trở nên tinh vi và phức tạp. Điều này đòi hỏi cần phải có những biện pháp hiệu quả, đặc biệt là các biện pháp pháp lý để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi rửa tiền. Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/11/2022 được kết cấu gồm 4 Chương 66 Điều, giảm 1 Chương và tăng 16 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2021 với nhiều quy định mới. Trong đó có một số điểm nổi bật đáng chú ý:

Một trong những nội dung mới được đưa vào Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đó là các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng...

Ngoài ra, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng đã bổ sung quy định về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó, định kỳ 5 năm, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt. Đối tượng báo cáo phải đánh giá rủi ro về rửa tiền, xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền.

Điểm đáng chú ý khác là quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng. Trong đó, văn bản luật lần này đã bổ sung quy định đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định pháp luật để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp; sửa đổi các quy định về nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba trên cơ sở hoạt động kinh doanh.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Luật Phòng, chống rửa tiền chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, sẽ giúp thị trường tài chính tiền tệ có nền tảng pháp lý vững vàng, qua đó hoạt động lành mạnh hơn. Đặc biệt đây là thời điểm nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cũng tăng tốc mạnh. Luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng trong việc phòng, chống rửa tiền.

Một trong những nội dung được nêu ra trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống rửa tiền là: giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo mà của Ngân hàng Nhà nước là 300 triệu đồng khi một khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt, một hoặc nhiều lần trong một ngày.

Có nhiều ý kiến cho rằng nên nâng mức giá trị giao dịch, bởi lẽ, hiện nay, rất nhiều giao dịch tiền mặt có giá trị lớn đang được thực hiện khi người dân đi mua các tài sản có giá trị như mua nhà, mua ô tô.

Sự phát triển của công nghệ cho phép mọi người tiếp cận hầu hết mọi cơ hội thông qua Internet, tuy nhiên, điều này cũng đã giúp cho đối tượng rửa tiền bất hợp pháp thực hiện các giao dịch rửa tiền mà không cần đến ngân hàng để xác minh danh tính bởi người thực sự truy cập vào tài khoản tổ chức tài chính có thể ẩn danh tính của mình với hệ thống này. Hơn nữa, giao dịch có thể thực hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, vào bất kỳ thời điểm nào. 

Việc luật ra đời thời điểm này sau 10 năm áp dụng văn bản luật cũ được giới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân đặt nhiều kỳ vọng sẽ giảm thiểu đáng kể các rủi ro đến từ các tội phạm công nghệ. Ngoài ra, luật cũng có những quy định mở để tạo sự linh hoạt trong việc đáp ứng các thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tế…

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được đánh giá là đã khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền. Xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền; nhằm bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia, góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.

Mời nghe âm thanh tại đây:

Bài liên quan
Bóc trần chiêu tinh vi 'rửa' 20 triệu USD, 2.000 tỷ đồng qua tiệm vàng ở TP.HCM
VOVLIVE - Xuất phát từ nguồn tin Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam cung cấp, Công an TP.HCM triệt phá đường dây rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới quy mô lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim
VOVLIVE - Trưa ngày 21/11, ngay sau Lễ đón trọng thể tại Phủ Thủ tướng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.
Mới nhất