Với người Việt, Tết Nguyên đán hay Tết cổ truyền là khoảng thời gian quan trọng nhất trong năm và trở thành dịp để những thành viên trong gia đình cùng nhau quây quần ôn lại câu chuyện của năm cũ, cầu chúc điều tốt đẹp dành cho năm mới.
Dạy trẻ hiểu giá trị của ngày Tết
Phong tục ăn Tết của người Việt trong cuộc sống hiện đại ít nhiều có sự thay đổi, song vẫn giữ vững giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, việc giữ gìn giá trị này không chỉ bắt nguồn từ ý thức của người lớn, mà còn cần phải truyền dạy cho con trẻ từ những việc làm thực tế.
Theo chuyên gia, khi trẻ còn nhỏ, phụ huynh nên tạo điều kiện cho con có những dịp Tết vui tươi, hồn nhiên, bổ ích với hoạt động mang tính hiện đại, nhưng không xa rời phong tục truyền thống tốt đẹp.
Ví dụ, vào những ngày cuối năm, các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ và trang trí để đón Tết, bố mẹ hãy hướng dẫn con phụ giúp mình, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, quét dọn nhà cửa… Phụ huynh có thể vừa làm vừa dạy con hiểu tại sao các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa để đón Tết.
Cùng với đó, vào những ngày Tết các gia đình thường nấu mâm cơm mang hương vị khác hẳn ngày thường. Đây cũng chính là cơ hội để phụ huynh giúp con hiểu thêm về ý nghĩa văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền và tiếp tục phát huy, gìn giữ.
Ngoài ra, các con cũng cần được bố mẹ dạy những lời chúc Tết mang ý nghĩa tốt đẹp. Bởi mỗi dịp Tết đến xuân về, mọi người đều mang theo niềm vui mong ước một năm mới an vui, may mắn và hạnh phúc, bình an.
Phong tục chúc Tết còn là nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, phụ huynh nên dành thời gian những ngày trước thềm năm mới để dạy con một số câu chúc.
Điều quan trọng khác, phụ huynh cần dạy con tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Ví dụ như khi con đi chúc Tết ông bà, bố mẹ hãy tâm sự với trẻ về những đóng góp của tổ tiên với con cháu. Từ đó, trẻ sẽ cảm nhận được khó khăn, vất vả mà ông bà trải qua và trân quý cuộc sống của mình hơn.
Dạy trẻ nhận lì xì đúng cách
Bên cạnh giúp con hiểu về giá trị ngày Tết, phụ huynh cũng cần dạy con cách xử lý khéo léo khi nhận lì xì. Bởi theo phong tục Tết truyền thống, trẻ sẽ được nhận tiền lì xì từ người lớn như một lời chúc tốt lành, nhưng hầu như các bé chỉ biết nhận lì xì và không biết nói lời cảm ơn.
Do đó, phụ huynh cần dạy con khi nhận được mừng tuổi phải bày tỏ thái độ biết ơn và chúc Tết lại người lớn với những lời chúc phúc, may mắn đầu năm.
Bố mẹ có thể giúp bé suy nghĩ vài câu chúc đơn giản phù hợp với từng người. Nếu chúc các cô thì chúc “năm mới đẹp rạng ngời tươi tắn”, gặp chú bác thì chúc “phát tài phát lộc” hay gặp người lớn tuổi thì nên là “sức khoẻ dồi dào, sống lâu trăm tuổi”.
Bố mẹ cũng đặc biệt lưu ý, dặn con trẻ một số điều kiêng kị như: không được mở lì xì trước mặt người lớn; không chê bai nếu tiền lì xì ít. Bố mẹ có thể giúp con thực hành ứng xử ở nhà để con có thể thực hiện ngay cả khi không có bố mẹ bên cạnh nhắc nhở. Kỹ năng sống được hình thành thông qua một quá trình, vì vậy, bố mẹ nên tạo điều kiện để trẻ có cơ hội tập luyện.