Nắng nóng chuẩn bị kết thúc ở khu vực phía Đông Bắc Bộ
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV liên quan đến tình hình nắng nóng gay gắt ở miền Bắc và miền Trung, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, trong những ngày vừa qua tại miền Bắc và miền Trung xảy ra nắng nóng đỉnh điểm, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.
Cụ thể, trong ngày 21/5, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h có nơi trên 39 độ C như: Mường La (Sơn La) 40,4 độ C, Phù Yên (Sơn La) 39,9 độ C, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 40,4 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 39,4 độ C...; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 35-60%.
"Ngày 22/5, ở phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-60%. Ngày 23/5, nắng nóng kết thúc ở khu vực này", ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định.
Ngày 22/5, phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 35-60%. Ngày 23/5, khu vực Tây Bắc của Bắc Bộ và khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-65%
Ông Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo, do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Vì sao nắng nóng gay gắt
Nguyên nhân của nắng nóng kỷ lục đợt này ở Hà Nội được ông Nguyễn Văn Hưởng lý giải là vùng thấp nóng phía Tây với tâm thấp khơi sâu nằm ngay ở Đông Bắc Bộ, lại mở rộng về phía đông nên kéo gió Phơn khô nóng (hay còn gọi là gió Lào) vượt Trường Sơn và Hoàng Liên Sơn tràn lên đến đồng bằng Bắc Bộ, thêm với đó là trường phân kỳ trên cao ôm trọn Bắc và Trung Bộ.
"Nóng bức ở Hà Nội được gia tăng thêm do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị từ bê tông, đường nhựa... nên không khó hiểu nên trở thành chảo lửa của cả nước", ông Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, nắng nóng gay gắt đến đặc biệt gay gắt khả năng còn kéo dài, người dân lưu ý các biện pháp bổ sung nước, chống nắng để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, nên sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý để hạn chế sự cố do quá tải điện trong thời tiết nắng nóng./.