Nội dung trên nằm trong dự thảo tờ trình xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi do Bộ GD&ĐT xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi.
Ngoài giáo viên ứng tuyển lần đầu, các giáo viên mầm non công lập được tuyển dụng từ năm học 2025-2026 được hưởng trợ cấp thu hút, chi trả một lần tối thiểu bằng 12 tháng lương cơ sở (hiện khoảng 28 triệu đồng). Người được tuyển dụng phải cam kết công tác ít nhất 5 năm.

Cùng đó, Bộ GD&ĐT lên phương án nghiên cứu hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ phổ cập mầm non khoảng 960.000 đồng/tháng, thời gian thực nhận không quá 9 tháng/năm. Tổng kinh phí cho hạng mục này là 3.296,8 tỷ đồng/năm.
Đáng chú ý, Nghị quyết bổ sung trẻ 3-5 tuổi là con em công nhân các khu công nghiệp, đang học trường mẫu giáo tư vào diện hỗ trợ chi phí học tập với mức 150.000 đồng/tháng để mua sách vở và dụng cụ học tập. Số tiền này được cấp 2 lần trong mỗi năm học kéo dài 9 tháng.
Với trẻ 3-5 là con em gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình thường trú vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số hoặc con em gia đình chính sách, trẻ khuyết tật hòa nhập, nhà nước sẽ nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa lên tối thiểu 360.000 đồng/tháng.
Dự kiến, tổng kinh phí cần có để thực hiện phổ cập cho trẻ từ 3-5 tuổi là 91.872,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 10 năm 2026-2035. Nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết dự kiến lấy từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành, nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Bộ GD&ĐT cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các tỉnh thành phố được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo, tới năm 2035 đạt chuẩn mức độ 2.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 300.000 trẻ độ tuổi mẫu giáo chưa được đến trường. Tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non muộn, phải đến 5 tuổi mới được tới trường.
Điều này khiến trẻ không có đủ thời gian để hình thành và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc học tập ở trường phổ thông. Từ đó, tỷ lệ không được lên lớp, lưu ban, bỏ học còn tương đối cao ở nhóm đối tượng này. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục mầm non (không gồm cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài hoặc vốn đầu tư nước ngoài) cũng được hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phổ cập.
Theo số liệu biên chế do Bộ Nội vụ thống kê thời điểm tháng 5/2024, nhu cầu biên chế giáo viên mầm non cần bổ sung của các địa phương năm học 2024-2025 là 35.894 chỉ tiêu. Nhu cầu biên chế cần bổ sung đến năm 2030 theo dự báo tăng lớp mẫu giáo ở một số địa phương là 12.055 chỉ tiêu. Như vậy, tổng biên chế còn thiếu đến năm 2030 là 47.949 chỉ tiêu.
Dự thảo tờ trình cũng nêu rõ, giai đoạn 10 năm vừa qua, chính sách thu hút, chính sách hỗ trợ giáo viên chưa tương xứng với đặc thù hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non vừa nuôi dưỡng, vừa chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là với giáo viên mầm non trẻ mới ra trường.
Hiện hệ số lương theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non thấp nhất trong mức lương của giáo viên. Trong khi đó, giáo viên mầm non phải thực hiện 3 nhiệm vụ đồng thời là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, làm việc 2 buổi/ngày, 5 ngày/tuần và 9-10 giờ/ngày, chưa kể thời gian sinh hoạt phát triển chuyên môn.
Áp lực công việc khiến giáo viên mầm non bỏ nghề nhiều. Riêng năm học 2022-2023 có hơn 9.000 giáo viên mầm non bỏ nghề.