Giáo viên cần lưu ý gì khi đăng ký kinh doanh để dạy thêm?

Nguyễn Trang/VOV.VN | 20/02/2025, 18:00

Sau khi Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2, nhiều giáo viên đã đến bộ phận một cửa tại UBND các quận, huyện để làm thủ tục đăng ký kinh doanh.

Có mặt tại UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ngày 20/2, cô Nguyễn Thanh Vy, giáo viên dạy Tiếng Anh tại Hà Nội cho biết, đã chuẩn bị sẵn tờ đơn theo mẫu, cùng giấy tờ cần thiết, nhân viên bộ phận một cửa thông báo hồ sơ đã đầy đủ, nhưng do hệ thống phần mềm đang bị lỗi nên vẫn phải quay lại sau để đăng ký.

Anh Hoàng Văn Tiến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, vợ anh là giáo viên THCS, theo quy định sẽ không được tự đăng ký kinh doanh để mở trung tâm dạy thêm, do đó vợ chồng anh bàn bạc để anh Tiến đứng tên đăng ký kinh doanh thành lập trung tâm.

“Tôi cũng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cũng có kinh nghiệm trong quản lý, nên sẽ đứng ra thành lập trung tâm. Vợ tôi và một số bạn đồng nghiệp khác sẽ đăng ký để dạy thêm tại trung tâm của tôi”, anh Tiến nói.

Để đăng ký kinh doanh, anh Tiến phải cung cấp đầy đủ thông tin về địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất… Do đó vợ chồng anh đã quyết định sửa lại căn nhà mặt đất đang ở để mở trung tâm và thuê chung cư để sinh sống.

Tại bộ phận một cửa UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Ngữ văn cho biết, trước đây cô vẫn nhận dạy thêm tại nhà vào các buổi tối và cuối tuần, nhưng từ ngày 14/2 đã phải dừng toàn bộ các lớp. Cô Hằng cho hay, căn hộ chung cư nhà cô khá rộng, nên dành riêng 1 phòng để dạy thêm. Cô Hằng dự định khi đăng ký kinh doanh sẽ nhờ người thân đứng tên và vẫn dạy tại nhà, nhưng khi mang đơn ra bộ phận một cửa thì nhận được thông báo địa điểm kinh doanh không đủ điều kiện. Theo đó, nơi đăng ký kinh doanh phải là nhà mặt đất, đầy đủ các điều kiện về PCCC.

“Nếu thuê địa điểm kinh doanh riêng chi phí mỗi tháng có thể từ chục đến hàng chục triệu đồng. Tôi đang tính đến phương án tạm thời sẽ xin vào các trung tâm đã đăng ký kinh doanh để giảng dạy, nhưng sẽ phải trích lại khoảng 20% học phí thu được cho phía trung tâm”, cô Hằng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Nam Hải, cán bộ bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, từ ngày 14/2 đến nay đã tiếp khoảng hơn 10 giáo viên đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh để dạy thêm. Tuy nhiên, hiện phần mềm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gián đoạn, cán bộ chỉ có thể hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu và nộp lại khi hệ thống được khắc phục.

Theo bà Hải, người dân có thể đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa của UBND các quận, huyện, hoặc đăng ký online và nhận kết quả trực tiếp tại bộ phận một cửa.

“Về hồ sơ, chúng tôi chỉ yêu cầu người dân có CCCD và đơn theo yêu cầu, tuy nhiên khi đăng ký kinh doanh, người dân cần chú ý đáp ứng các yêu cầu về địa điểm kinh doanh theo quy định. Nguyên tắc đăng ký hộ kinh doanh sẽ không được lập địa điểm tại căn hộ chung cư, nhà tập thể có mục đích để ở. Nhiều người không biết nên vẫn vướng ở điểm này”, bà Hải cho biết.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối cho biết, căn cứ Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2025, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm còn phải thực hiện các yêu cầu khác theo quy định tại Thông tư mới này.

Về việc đăng kí kinh doanh trong trường hợp này, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thể đăng ký kinh doanh dạy thêm tại các cơ quan theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp, Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với trường hợp thành lập hộ kinh doanh.

Trình tự, thủ tục chi tiết đăng ký kinh doanh dạy thêm được thực hiện theo các thủ tục đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề khác theo quy định pháp luật hiện hành. Theo các Điều 19, 20, 21, 22 của Luật Doanh nghiệp 2020, tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ khác nhau. Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần lưu ý, theo Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDDT các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm, bao gồm: "Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống; Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường".

Sau khi đăng ký kinh doanh, các cá nhân, tổ chức dạy thêm sẽ cần phải thực hiện, tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật liên quan, ngoài ra kê khai và nộp thuế, lệ phí, thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật.

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định hồ sơ đăng ký kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp như sau:

Điều 19. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

Điều 20. Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.

5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Điều 21. Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Điều 22. Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Bài liên quan
Sắp xếp dạy 2 buổi/ngày để lách quy định dạy thêm?
Đại diện Bộ GD&ĐT lên tiếng trước luồng ý kiến cho rằng các trường, địa phương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để lách quy định về cấm dạy thêm tại Thông tư 29/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla
VOVLIVE - Chiều 19/2, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18-20/2/2025.
Mới nhất