Hãng phim truyện Việt Nam từng có hơn 600 văn nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên làm việc. Trong suốt hơn 70 năm qua, hãng sản xuất hơn 400 bộ phim điện ảnh, truyền hình, tài liệu. Nhiều tác phẩm gặt hái giải Vàng ở các liên hoan phim Việt Nam, nhiều giải thưởng quốc tế và đi vào lòng người như: "Chung một dòng sông", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội"… Tuy nhiên, thời hoàng kim của Hãng phim giờ đây chỉ còn tồn tại trong ký ức khi trụ sở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội ngày càng hoang tàn, đổ nát. Câu chuyện buồn này của Hãng phim truyện Việt Nam bắt đầu sau “cơn bão” cổ phần hóa. Đến nay, quá trình cổ phần hóa đã kéo dài gần 10 năm và chưa biết bao giờ mới đi đến hồi kết.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ VH-TT&DL cần giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng - điển hình như câu chuyện ở Hãng phim truyện Việt Nam. Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Nhiệm vụ sắp tới là các vụ việc liên quan kéo dài như khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Hãng phim truyện Việt Nam... Tôi đề nghị Bộ VH-TT&DL cùng Chính phủ giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng”.
Sự chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ ngay trong những ngày đầu năm mới 2024 đã thêm một lần nữa dấy lên hy vọng đối với các thế hệ nghệ sĩ, người lao động của Hãng Phim truyện Việt Nam về một cái kết có hậu cho số phận của Hãng - khi mà đã qua một thời gian dài họ phải sống trong chờ đợi với câu hỏi “chờ đến bao giờ”.
Chia sẻ với PV VOV2, các nghệ sĩ, người lao động của Hãng Phim truyện Việt Nam bày tỏ sự kỳ vọng với chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ, mong rằng sự việc sẽ sớm được giải quyết dứt điểm sau sự chờ đợi mỏi mòn của hơn 40 nghệ sĩ, người lao động không có lương, không có bảo hiểm, không có chế độ gì.
Đạo diễn NSƯT Bùi Trung Hải bày tỏ: “Đầu tiên chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng đã nhắc lại sự việc và lời nói của Thủ tướng như vậy tỏ rõ trách nhiệm đối với việc chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc ở Hãng Phim truyện Việt Nam, cần phải giải quyết đến nơi đến chốn trong thời gian tới đây”.
Còn chị Phạm Thị Hường vốn là họa sĩ, nhân viên phục trang cũng kỳ vọng: “Sau khi cổ phần hóa, chúng tôi là những người đã có bằng Thạc sĩ vậy mà bao năm nay không lương, không bảo hiểm, không chế độ gì hết. Thủ tướng đã chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm, chúng tôi hy vọng sẽ sớm có kết thúc tốt đẹp!”.
Tuy nhiên, bên cạnh sự kỳ vọng còn là những nghi ngại, bởi trong suốt quá trình sau khi tiến hành cổ phần hóa tại hãng Phim truyện Việt Nam gần 10 năm nay đã không ít lần niềm tin của các nghệ sĩ, người lao động của Hãng bị lung lay khi câu hỏi “chờ đến bao giờ” vẫn còn bỏ ngỏ. “Thực ra rất nhiều lần chúng tôi được nghe giải quyết về vấn đề hãng phim truyện Việt Nam. Nhưng cuối cùng cũng không thấy đâu. Khi Thủ tướng vẫn quan tâm với chúng tôi thì chúng tôi lại một lần nữa hy vọng” - NSƯT Vũ Đức Tùng chia sẻ.
Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, người đã có nhiều năm đóng góp tại Hãng phim truyện Việt Nam cho rằng, những được mất đối với từng cá nhân không biết bao nhiêu mà kể, nhưng điều đau lòng là câu hỏi “tại sao lại dai dẳng như vậy” vẫn chưa có hồi kết: “Cái mất mát, thiệt thòi của chúng tôi quá nhiều rồi, tôi không muốn nói lại nữa. Bởi vì thực tế nếu như bây giờ có một biện pháp gì để xử lý thì chắc chắn không thể nào lấy lại được tất cả những gì chúng tôi đã mất mát. Tôi không muốn đòi hỏi bất cứ một cái gì đó về quyền lợi cho cá nhân tôi mà tôi xót xa cho một hãng phim lịch sử, bây giờ tan hoang như thế này. Cũng chưa biết là sắp tới Chính phủ, Bộ VH-TT&DL sẽ xử như thế nào?
Nhớ lại cách đây gần 1 năm, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vấn đề Hãng phim truyện Việt Nam. Mốc thời gian được đề cập là phải có kết luận trước ngày 25 tháng 4 năm 2023. Sau đó Phó Thủ tướng có giao cho Bộ VH-TT&DL: Có phương án sắp xếp, củng cố hãng phim truyện Việt Nam phù hợp với tình hình và luật pháp hiện hành để thúc đẩy quá trình hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ chính trị và gìn giữ, phát huy truyền thống Hãng phim truyện Việt Nam. Thế nhưng, đến ngày hôm nay (4/1/2024) chúng tôi không nhận được bất cứ một thông tin gì từ Bộ. Đấy là điều mà chúng tôi rất suy nghĩ và đau xót. Phải chăng chúng tôi đang bị bỏ rơi?"- Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn chua xót nói.
Gần 8 năm đã trôi qua, câu chuyện buồn của Hãng phim truyện Việt Nam sau “cơn bão” cổ phần hóa, số phận và tương lai của Hãng phim vẫn là vấn đề nổi cộm, chưa được giải quyết dứt điểm. Sau chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ, những nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam lại thêm một lần nữa trông chờ và hy vọng những tồn tại sẽ sớm được giải quyết dứt điểm.