Giải ngân không đạt yêu cầu thì có lãng phí hay không?

Ngọc Thành/VOV.VN | 11/05/2023, 16:51

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề khi thảo luận báo cáo của Chính phủ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, tại phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 11/5.

Thực hiện thế nào và chuyển biến ra sao

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá sự cố gắng của Chính phủ và đánh giá thẳng thắn của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Nghị quyết giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 đã tạo chuyển biến cả nhận thức, hành động về công tác này. Do đó, báo cáo lần này cần đánh giá xem chuyển biến như thế nào ở các cấp, các ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phân tích rõ các hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm, trong đó có việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội bởi các nghị quyết này nêu rất rõ các kiến nghị và giao cho Chính phủ nhiều nội dung, quy định rõ thời hạn khắc phục.

“Rà lại nghị quyết thì chúng ta làm đến đâu, cái gì chưa được thuộc tầm của Chính phủ, của các bộ, ngành, của các địa phương như thế nào?” – ông Trần Quang Phương nhấn mạnh, đồng thời đặt vấn đề giải ngân không đạt yêu cầu thì có lãng phí hay không.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nguồn tăng thu của ngân sách địa phương thì quy định trích 30% chi cho đầu tư, 70% còn lại dành cải cách tiền lương. Bây giờ địa phương đề nghị chia tỷ lệ 50-50 thì cần nghiên cứu để có tháo gỡ, chứ không sẽ lãng phí.

“Nhiều nơi đề nghị dành 50% phần tăng thu ngân sách địa phương chi cho đầu tư công, chứ không tiền bỏ đó không tiêu”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, địa phương đã tính toán nguồn để dành cho cải cách tiền lương và chịu trách nhiệm.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương đã quy định là nguồn vượt thu từ ngân sách Trung ương phải trích 40% để dành làm quỹ lương, ngân sách địa phương phải dành 70% để làm quỹ lương. Có những năm ngân sách sẽ vượt thu rất cao nhưng sẽ có những năm ngân sách hụt thu.

“Chủ động và điều hòa trong nguồn cải cách tiền lương rất cần thiết. Bởi lâu nay chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương hay nói cách khác là chưa nâng lương. Từ ngày 1/7/2023 mới nâng lương cơ sở”, ông Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Quy định vẫn còn vướng

Ông Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận hiện đầu tư công giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, từ điều hành đến quy định pháp luật. Đơn cử Luật Đầu tư công quy định có tiền thì mới được lập dự án, nhưng lập dự án rồi thì mới được phân bổ tiền, cho nên bị vướng.

“Ví dụ, một công trình trọng điểm nằm trong chương trình phục hồi mà Quốc hội đã có nghị quyết phân bổ làm trụ sở của Hải quan sân bay Long Thành nhưng đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo vốn, vì chưa lập được dự án, lập được dự án thì phải có tiền, cho nên cứ vướng đi, vướng lại như vậy” – ông Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, nội dung chương trình mục tiêu quốc gia cũng rất vướng, bây giờ đang tranh luận việc hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách 40 triệu/hộ thì thuộc đầu tư công hay thuộc chi thường xuyên.

“Quan điểm của tôi cho rằng, đây là khoản chi thường xuyên từ ngân sách để hỗ trợ chứ không phải chi đầu tư công. Nếu chi đầu tư công thì phải có chủ đầu tư, phải có lập dự án. Làm nhà cho các hộ dân ai lập dự án, ai tổ chức thi công, ai tổ chức đấu thầu, cho nên cũng vướng”- ông Hồ Đức Phớc báo cáo.

Đề cập giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, song song với quá trình điều hành, thì hoàn thiện pháp luật hết sức quan trọng. “Kể cả chương trình mục tiêu quốc gia, ý kiến của chúng tôi là nên phân bổ và hướng dẫn nội dung chi tiêu, còn lại phân bổ một cục cho các tỉnh tổ chức làm, sau đó kiểm tra. Nếu trên này phân bổ từng hạng mục, từng dự án, từng nội dung cụ thể thì không thể làm được”, ông Hồ Đức Phớc nêu ý kiến.

Hay cổ phần hóa theo nghị quyết của Quốc hội phải tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp, nghị định Chính phủ cũng quy định như vậy. Nhưng theo ông Hồ Đức Phớc, bây giờ địa phương gần như không phê duyệt phương án sử dụng đất nên không tính được giá trị vào, “mà tính giá trị tiền sử dụng đất hôm nay thì ngày mai có khi lại thất thoát, cho nên cứ lùng nhùng từ việc này sang việc kia”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính dẫn ví dụ ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2022 đến giờ không cổ phần hóa được, mặc dù Chính phủ giao phải cổ phần hóa 38 doanh nghiệp. Đây là một thực trạng, bộ sẽ tập trung để tham mưu cho Chính phủ, tham mưu cho Quốc hội để hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm triển khai một cách hiệu quả.

Khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp

Kết luận, ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, tình trạng lãng phí còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong quản lý lĩnh vực ngân sách, đầu tư công, rồi mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công, nhất là gần đây thủ tục hành chính của các bộ, ngành, các địa phương.

Ủy ban Thường vụ cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. Trong đó, yêu cầu cụ thể hơn giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh ở các bộ, ngành và các địa phương, mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa.

Bên cạnh đó sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu, khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, biên chế của các cơ quan, nhà nước, tiết kiệm chi và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện báo cáo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách chính thức thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV./.

Bài liên quan
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất