Trên thế giới, số lượng bán ra của Conan là 230 triệu bản truyện tranh, đạt doanh thu khoảng 1,1 tỷ USD. Tính thêm giá trị các bản hoạt hình, điện ảnh, vật phẩm... thì tổng giá trị thương hiệu thám tử lừng danh được ước tính khoảng 6 tỷ USD, số liệu tính đến năm 2020.
Conan xuất hiện trong bối cảnh dòng truyện tranh trinh thám đang được khán giả Nhật ưa chuộng. Nội dung truyện xoay quay cậu học sinh trung học Shinichi Kudo, nổi tiếng với tài phá án như Sherlock Holmes. Trong một lần điều tra tội phạm, câu chạm trán băng nhóm áo đen và bị bắt uống một loại độc dược khiến cơ thể bị teo nhỏ thành trẻ con. May mắn sống sót, Shinichi lấy tên Conan và chuyển đến sống cùng gia đình bạn gái Ran, con gái thám tử Mori để tránh sự theo dõi của kẻ thù. Với sự giúp đỡ của tiến sĩ Agasha, Conan sở hữu nhiều món đồ công nghệ như súng bắn gây mê, nơ giả giọng nói... Cậu thường dùng những thiết bị này để giả làm Mori khi phá án, đồng thời khiến ông bị đặt biệt danh “thám tử ngủ gật”.
Trinh thám là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hấp dẫn của thương hiệu.
Tác giả Gosho Aoyama lấy cảm hứng từ những câu chuyện nổi tiếng về Arsène Lupin, Sherlock Holmes... Độc giả như được hóa thân vào vai thám tử, lần theo các manh mối để phát hiện thung thủ. Bên cạnh đó, bộ truyện cũng cung cấp một khối lượng nhân vật đông đảo, cá tính và thú vị. Bên cạnh Conan, những cái tên như thám tử Mori, cô nữ sinh giỏi võ Ran, tiến sĩ Aghasa, siêu trộm Kid, cô nàng bí ẩn Ai Haibara, anh chàng bí ẩn Akai... cũng được nhiều thế hệ độc giả mến mộ.
Bộ truyện tranh Conan lần đầu được nhà xuất bản Kim Đồng dịch và phát hành tại Việt Nam từ năm 1997. Từ đó, tác phẩm trở thành món ăn tình thần không thể thiếu đối với nhiều thế hệ độc giả. Là bộ truyện tranh có lượng phát hành lớn nhất tại Việt Nam, hai tập truyện Conan mới nhất được xuất bản tại Việt Nam (tập 97 và tập 98) có số lượng in hoàn toàn có thể gây choáng ngợp bất cứ đơn vị phát hành sách nào trong nước: 300.000 bản/tập. Thương hiệu cũng hấp dẫn khán giả ở thương hiệu hoạt hình, phát hành qua kênh Youtube Pops Anime. Bộ phim hiện đã ra đến tập 399, với lượt xem giao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu mỗi tập.
Năm 1997 ra đời loạt phim hoạt hình điện ảnh Conan
Hàng năm, cứ vào tháng 4, hãng phát hành một tập phim dài đặc biệt về nhân vật thám tử lừng danh. Tính đến nay, tổng cộng có 23 bộ phim được phát hành. Mỗi dự án đều được sáng tạo một kịch bản riêng, không trùng lặp với các tiểu phẩm ngắn của truyện tranh hay series hoạt hình.
Tổng doanh thu của thương hiệu phim đạt khoảng 1,1 tỷ USD toàn cầu. Trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm phần lớn với doanh thu 997 triệu USD. Phần phim mới nhất “Thám Tử Lừng Danh Conan: Cú đấm Sapphire xanh” ra mắt năm 2019 đem về doanh thu kỷ lục 9,3 tỷ yên (khoảng 85 triệu USD), cao nhất trong lịch sử thương hiệu phim. Tác phẩm thậm chí còn đánh bại cả bom tấn “Avengers: Endgame” tại thị trường Nhật Bản trong cuộc đua phòng vé.
Tại Việt Nam, phiên bản điện ảnh của Conan cũng đã 4 lần ra rạp, lần lượt từ năm 2016 – "Thám tử lừng danh Conan: Cơn ác mộng đen tối"; 2017 – "Thám tử lừng danh Conan: Bản tình ca màu đỏ thẫm"; 2018 – "Thám tử lừng danh Conan: Kẻ hành pháp Zero"; 2019 – "Thám tử lừng danh Conan: Cú đấm Sapphire Xanh"…. Năm nay, phần phim thứ 24 về anh chàng thám tử nhí Conan sẽ trở lại trong "Thám tử lừng danh Conan: Viên đạn đỏ" và cũng là phần phim thứ 5 loạt siêu phẩm phá án này có mặt tại rạp.
Bên cạnh phim, sự thành công của thương hiệu Conan dẫn đến nhiều sản phẩm chuyển thể khác. Năm 1996, hãng hợp tác với công ty Bandai phát hành trò chơi điện tử đầu tiên về thám tử lừng danh. Tính đến nay, thương hiệu cho ra đời 20 phiên bản game khác nhau, với nội dung điều khiển nhân vật Shinichi Kudo/Conan phá án. Các nhà sản xuất cũng cho ra đời bốn bản live-action (phim người đóng), được đón nhận tốt trên sóng truyền hình Nhật Bản.
Conan tái xuất với phần phim "Thám tử lừng danh Conan: Viên đạn đỏ"
Phim lấy bối cảnh tại Tokyo, Nhật Bản khi đang trong thời gian chuẩn bị để tổ chức Thế vận hội thể thao thế giới (WSG). Song song với sự kiện thể thao lớn nhất này là việc khai trương tuyến tàu điện Hyperlinear có tốc độc cực nhanh lên đến 1000km/ h. Tuyến tàu điện chạy trên đệm tuyến tính siêu dẫn chân không đầu tiên trên thế giới với công nghệ mới nhất của Nhật Bản này được tạo ra nhằm mục đích phục vụ cho Thế vận hội.
Với quy mô của sự kiện, hàng nghìn lãnh đạo, CEO cấp cao của các công ty trong và ngoài nước tề tựu về để chứng kiến lễ khai mạc. Và đây cũng là nguyên do xảy ra hàng loạt vụ bắt cóc khiến Conan phải đau đầu. Trong khi Shuichi Akai và lực lượng FBI đang loay hoay tìm kiếm chứng cứ thì Conan đã khám phá ra các vụ bắt cóc liên hoàn này có liên quan đến Thế vận hội (WSG) 15 năm trước ở Boston, Hoa Kỳ. Liệu đây có phải là sự trùng hợp? Ai là người đứng sau vụ án này? Tất cả sẽ được sáng tỏ dưới tài trí của Shuichi Akai và Conan.
Phim "Thám tử lừng danh Conan: Viên đạn đỏ" sẽ chính thức khởi chiếu vào ngày 23/4./.