Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Xây lắp dầu khí (Hà Nội), giá xăng ngày mai có thể tăng khoảng hơn 400 đồng/lít còn giá dầu diesel có thể tăng 250 đồg/lít. Dự báo trên chưa tính đến việc liên Bộ Công Thương - Tài chính chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong trường hợp cơ quan điều hành chi quỹ thì giá xăng có thể tăng ít hơn.
Trong khi đó, ông Hoàng Trung Dũng, lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội nhận định, mức tăng của giá xăng dầu có thể còn cao hơn. “Giá xăng RON95 có thể tăng 640 đồng/lít, xăng E5 RON92 tăng 630 đồng/lít, còn dầu diesel tăng 470 đồng/lít”, ông Dũng nói.
Theo mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 21/3 có thể tăng trên 2%, tương đương 464 - 470 đồng/lít. Giá dầu cũng chung xu hướng tăng, trong đó giá dầu mazut tăng mạnh nhất (6,8%), tiếp theo là giá dầu hỏa tăng 1,5%, giá dầu diesel tăng tăng 0,7%.
Mô hình của VPI cũng cho rằng kỳ này liên bộ Tài chính - Công Thương có thể trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
Trước đó, từ 15h ngày 14/3, giá xăng E5 RON92 giảm 22 đồng/lít, về mức 22.290 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 14 đồng/lít, không cao hơn 23.549 đồng/lít.
Cụ thể, giá dầu diesel tăng 78 đồng/lít, không cao hơn 20.549 đồng/lít; dầu hỏa tăng 97 đồng/lít, không cao hơn 20.706 đồng/lít; dầu mazut tăng 299 đồng/kg, không cao hơn 16.432 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
Đồng thời không trích lập quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5 RON92, xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa.
Cơ quan quản lý cũng không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h hôm nay (20/3), giá dầu Brent giao dịch ở mức 87,19 USD/thùng, tăng 0,3 USD so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 83,05 USD/thùng, tăng 0,33 USD. Giá dầu tăng trong bối cảnh cung giảm còn nhu cầu mạnh lên.
Vào cuối tuần qua, Nga thông tin Ukraine đã phóng 35 máy bay không người lái vào các mục tiêu trên khắp nước này, làm gián đoạn nguồn cung cấp điện ở các khu vực biên giới.
Hoạt động quân sự của Ukraine nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng tại một số nhà máy lọc dầu.
Bên cạnh đó, Reuters thông tin, Iraq - nhà sản xuất lớn thứ hai của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - cho biết sẽ giảm xuất khẩu dầu thô xuống 3,3 triệu thùng/ngày trong những tháng tới để bù đắp cho việc vượt hạn ngạch của OPEC+ kể từ tháng 1.
Bộ Dầu mỏ Iraq cho hay, nước này đã xuất khẩu trung bình 3,43 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 2.
Về phía cầu, tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ đã vượt kỳ vọng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2, đánh dấu sự khởi đầu vững chắc cho năm 2024 bất chấp lực cản đến từ lĩnh vực bất động sản.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Gelber and Associates nhận xét giá dầu được hỗ trợ bởi nhu cầu dầu thô từ Trung Quốc.