Tại buổi lễ, 6 đội cồng chiêng với gần 200 nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn huyện Chư Păh đã có màn diễu hành, trình diễn các điệu múa cồng chiêng tại nhà rông làng Ia Gri để chào đón đại biểu và du khách dự khai mạc. Diễu hành cùng đoàn cồng chiêng là các đội múa xoang, múa rối, hóa trang mang đậm sắc màu văn hóa Tây Nguyên. Trong khuôn viên lễ hội, Ban Tổ chức còn bố trí nhiều gian bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu để du khách mua về làm quà, tặng người thân như: cà-phê, hồ tiêu, chuối rừng, rượu ghè, măng khô, cá thát lát sông Sê San; các quầy hàng sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên, phụ nữ; sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện như: nấm các loại, mật ong, dầu phộng ép lạnh...Sản phẩm đặc sản của vùng đất Chư Đăng Ya gồm: miến dong riềng, bột dong riềng, khoai mật và các sản phẩm chế biến từ khoai lang.
Tuần lễ Hoa Dã quỳ- Núi lửa Chư Đang Ya năm 2023 sẽ diễn ra đến hết ngày 12/11, các nghệ nhân huyện Chư Păh sẽ trình diễn đan gùi, dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ, chế tác nhạc cụ dân tộc, các vật dụng phục vụ sinh hoạt của dân tộc Jrai, Bahnar… để phục vụ du khách. Đến lễ hội, du khách có dịp trải nghiệm trực tiếp đan gùi, dệt thổ cẩm cùng các nghệ nhân. Ngoài ra, du khách còn được chơi các trò chơi dân gian tại lễ hội như: Đẩy gậy, chạy cà kheo, kéo co, nhảy bao bố, leo núi cũng như các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, đi xe đạp chậm.
Điểm mới của "Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya" năm 2023, người dân địa phương và du khách còn được thưởng thức chương trình biểu diễn với chủ đề “Sống động nhịp điệu giã gạo”. Ngày 11/11, tại nhà rông làng Ia Gri sẽ diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Đêm hội nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên” với sự tham gia của các câu lạc bộ, ban nhạc, các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.
Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya" năm 2023 là sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Chư Păh; sẽ là điểm đến tham quan, trải nghiệm là cầu nối quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng, kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn huyện Chư Păh nói riêng, Gia Lai nói chung.
Đến với ngày hội, chị Phan Thị Thu An, tới từ thành phố Pleiku cảm nhận: "Về đây cảm thấy rất yên bình , có những phong tục của đồng bào mình thấy rất là hay. Năm nay thì tôi thấy mọi thứ được diễn ra tốt hơn, hoa đẹp hơn, năm nay hoa đúng vào mùa nở rộ, tôi hy vọng các năm sau này càng ngày càng đẹp hơn để ngày càng thu hút được khách của các tỉnh thành khác của mọi miền đất nước về thăm”.