Hội nghị tập trung vào đổi mới sáng tạo trong dạy và học với mục tiêu tái định vị vai trò của giáo dục Đại học trong thế kỷ 21. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD&ĐT Việt Nam cùng gần 400 nhà lãnh đạo học thuật, chuyên gia giáo dục nổi tiếng đến từ các cơ sở giáo dục và các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa quan trọng góp phần đóng góp những thực hiện giáo dục hiệu quả và các cách tiếp cận giáo dục mở trong điều kiện bình thường mới sau những đợt tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19.
Hội nghị góp phần tham mưu kịp thời, hiệu quả một số nội dung định hướng đổi mới giáo dục, xây dựng chính sách trong bối cảnh toàn ngành giáo dục và hệ thống giáo dục đang triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Bộ GD&ĐT coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tham gia trình bày tham luận, chia sẻ góp ý, thảo luận trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, thẳng thắn, khách quan, xây dựng và cầu thị, để hội thảo sẽ là một ngày hội về trí tuệ và tâm huyết đổi mới giảng dạy và học tập góp phần xây dựng cac cơ sở giáo dục trở thành những tổ chức học tập nòng cốt tham gia xây dựng Việt Nam thành một xã hội học tập tích cực, hiệu quả.
“Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học” năm đầu tiên được tổ chức tại ĐH VinUni (Hà Nội), quy tụ gần 400 nhà lãnh đạo giáo dục quốc tế từ ĐH British Columbia (Canada), ĐH Duke-NUS (Singapore), Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), ĐH Kinh doanh Sydney (Úc), ĐH Thiên Tân (Trung Quốc)… cùng các nhà lãnh đạo từ các trường của Việt Nam.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày với bài trình bày dẫn nhập về “Giáo dục trong thế kỷ 21” của GS. Sanjay Sarma, Phó Chủ tịch Trung tâm Học tập Mở, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Các phiên hội thảo tiếp theo do các chuyên gia giáo dục chủ trì với phần chia sẻ đa chiều mang tính chuyên môn sâu.
Chia sẻ về ý nghĩa của Hội nghị, TS. Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH VinUni, cho biết: “Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học” do VinUni khởi xướng với mong muốn không những tạo ra một “sân chơi phẳng”, nơi các nhà lãnh đạo giáo dục có thể chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác toàn cầu mà còn để thảo luận, tìm giải pháp định hình tương lai của giáo dục. Thông qua Hội nghị, các nhà lãnh đạo học thuật sẽ cùng cam kết hành động để tạo ra các thay đổi mạnh mẽ trong giáo dục, gia tốc quá trình ươm mầm khởi nghiệp của sinh viên và rút ngắn thời gian đưa công trình nghiên cứu từ phòng thí nghiệm vào cuộc sống”.
Sự thành công của “Hội nghị quốc tế về đổi mới dạy và học” lần thứ nhất sẽ mang tới cơ hội kết nối phát triển mạng lưới quan hệ giữa các nhà lãnh đạo học thuật trong nước và quốc tế, đồng thời mở ra những các chương trình hợp tác thiết thực trong tương lai. Hội nghị thường niên lần thứ hai sẽ do Đại học Quốc gia Hà Nội đăng cai tổ chức vào năm 2023.