Theo bà Marica Vakacola, Giám đốc dự án của Hiệp hội Môi trường Mamanuca, Fiji, tại Nam Thái Bình Dương, Quần đảo Fiji nổi tiếng thế giới với những bãi cát trắng trải dài cùng làn nước biển màu xanh ngọc, những rạn san hô lung linh đủ sắc màu và những khu nghỉ dưỡng xa hoa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Fiji đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như bão lốc, nước biển dâng, xâm nhập mặn, cháy rừng, xói mòn bờ biển, tẩy trắng rạn san hô...., không chỉ huỷ hoại môi trường và sinh kế của người dân Fiji mà còn làm giảm lượng khách du lịch quốc tế tới đây.
Đứng trước thực trạng ngày càng đáng quan ngại đó, Chính phủ Fiji đã chủ trương triển khai một loạt các mô hình thu hút du khách quốc tế tham gia vào các "lễ hội sinh thái bản địa", với các hoạt động thú vị và bổ ích cho khách du lịch như: lễ hội "your Paradise" hướng dẫn du khách tự tay trồng cây mang tên mình trên các vùng ngập mặn cùng người bản địa; lễ hội ươm mầm sức sống cho rạn san hô với các khoá học ngắn về các loài san hô, cách bảo vệ và ươm mầm, cấy giống cho các rạn san hô này; các chương trình lặn biển ngắm và làm sạch rạn san hô cùng chính những người dân làng chài ven biển Fiji...
Theo bà Vakacola, các lễ hội này đã thu hút được đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới tham gia, bởi nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa văn hoá bản địa, tình yêu thiên nhiên môi trường và bảo vệ sinh thái biển, đưa du khách và người thổ dân lại gần nhau hơn, không chỉ với những bữa tiệc, những điệu nhảy của thổ dân trên bãi biển. Mọi du khách đều tự hào về từng mầm cây, mầm san hô mà họ đã trồng xuống, và mong mỏi năm sau quay trở lại để xem thành quả của mình đã trưởng thành đến đâu. Fiji đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giúp người Fiji thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự kết nối giữa du khách với những làng chài ven biển, niềm vui thú và kỳ vọng với mỗi hạt giống, mầm cây đã được gieo xuống của mỗi du khách đó sẽ mang họ quay trở lại và giúp Fiji giàu mạnh hơn.