Đừng giảm mức phạt nồng độ cồn, vì người tửu lượng thấp chỉ một ly cũng say

08/08/2024, 16:34

Một ngụm rượu hay nửa lon bia cũng khiến một số người chuếnh choáng hoặc buồn ngủ, rất nguy hiểm nếu lái xe, vì vậy giảm mức phạt với nồng độ cồn thấp là không nên.

Những độc giả ủng hộ quan điểm của tác giả bài “Đã đến lúc giảm mức phạt với tài xế có nồng độ cồn rất thấp” nêu ra một thực tế: Với nhiều người, chút xíu bia rượu đủ để hơi thở có cồn - nghĩa là sẽ bị phạt nếu lái xe - trong khi họ hoàn toàn tỉnh táo, khỏe mạnh, cả suy nghĩ lẫn cử động, hành vi đều chuẩn. Tuy nhiên, một thực tế khác cũng không thể phủ nhận: Chút xíu bia rượu đó đủ ảnh hưởng đến một số người về thể chất, có thể gây mất an toàn nếu họ cầm lái.

Vì thế mà việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với tài xế là cần thiết. Mức phạt nặng là để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh xa bia rượu nếu muốn lái xe. Đề xuất giảm mức phạt đối với mức 0,25mg cồn/lít khí thở trong dự thảo nghị định mà Bộ Công an đang lấy ý kiến cần được cân nhắc kỹ để tránh làm suy giảm tính răn đe. Theo tôi, nên giữ nguyên mức hiện hành mới đảm bảo cho người dân luôn tâm niệm đã nhậu thì thôi cầm lái.

Bạn có đồng tình với đề xuất giảm mức phạt khi nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở?

Tôi có cậu bạn từng tông phải người phụ nữ mang thai đi xe máy sau khi anh ấy rời khỏi một cuộc liên hoan. Bạn tôi không biết uống rượu, hôm ấy vì quá vui nên hứng chí nhấp môi chút chút, ấy vậy mà vẫn thấy “biêng biêng”, lúc lên xe nổ máy trông vẫn rất ổn nhưng khả năng phản ứng nhanh với tình huống trên đường thì kém hẳn. Rất may là bà bầu ấy tuy ngã xuống đường nhưng không bị thương. Sau sự việc hú vía đó, cậu ấy không bao giờ dám đụng đến một giọt đồ uống có cồn trừ khi uống tại nhà mình.

(Ảnh: Minh Đức)
(Ảnh: Minh Đức)

Nếu như nhiều người có thể cạn hết ly này đến ly khác, lâu lâu mới say thì nhiều người khác lại như bạn tôi, chỉ một chén rượu hay nửa lon bia cũng đủ chuếnh choáng, đầu óc mơ hồ, bước chân lâng lâng, khi lái xe thì hoặc là hưng phấn quá độ hoặc buồn ngủ, nguy cơ gây tai nạn không hề nhỏ.

Nên nhớ rằng khi có hơi men kích thích, một người ngày thường thận trọng, hay cân nhắc thiệt hơn cũng có thể biến thành bất chấp. Khi đó, mức phạt thấp (từ 400 - 600 nghìn đồng với xe máy và 800 nghìn - 1 triệu đồng với ô tô) rất dễ khiến họ vung tay bất chấp. Tuy nhiên, mức phạt 2 - 3 triệu đồng với xe máy và 6 - 8 triệu đồng lại có thể khiến người ta tỉnh rượu, không dám làm càn.

Lượng bia rượu dù ít hay nhiều cũng đều có thể gây tai nạn vì phản ứng của cơ thể mọi người không giống nhau. Vài ba lon bia có thể không đáng kể với người này, nhưng với người khác lại đủ gây thảm kịch. Nhiều người chắc chưa quên vụ tai nạn liên hoàn tại Vũng Tàu hồi cuối tháng 6. Chiếc ô tô do người phụ nữ 37 tuổi cầm lái tông vào hàng loạt phương tiện khác chỉ trong một quãng đường ngắn.

Sau khi va vào xe đẩy chở rác, ô tô này chạy đến giao lộ, tông vào một xe máy rồi tiếp tục lao tới khu vực đèn đỏ, va chạm với 2 xe máy khác. Nó cuốn một xe máy vào gầm, kéo lê trên đường và tiếp tục tông vào chiếc xe máy trên chở hai phụ nữ, dồn họ lên vỉa hè, va chạm thêm với một xe máy và ô tô khác đang đậu. Chiếc ô tô “điên” chỉ dừng lại khi tông vào trụ đèn đường. Hai người phụ nữ đi xe máy (là hai mẹ con) chết tại chỗ, 3 người khác bị thương nặng.

Nữ tài xế gây tai nạn có nồng độ cồn 0,385mg/lít khí thở, tương đương với việc uống 3-4 lon bia, lượng bia mà với nhiều người là "quá bình thường cho một cuộc nhậu".

Tai nạn giao thông mà tài xế có nồng độ cồn dưới 0,25mg/l cũng không phải chưa từng xảy ra. Trong thảm kịch khiến một người chết tại chỗ, nhiều người bị thương, trong đó 2 người bị thương nặng xảy ra tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc chiều 5/11/2023, tài xế lái chiếc xe gây họa có nồng độ cồn trong máu chỉ 0,051 miligam/lít khí thở.

Do đó, dù mức phạt tiền tăng theo chỉ số nồng độ cồn là đúng, cũng không nên áp dụng mức phạt quá nhẹ với nồng độ cồn thấp. Từ khi việc đo nồng độ cồn được thực hiện chặt chẽ, số vụ tai nạn giao thông và tử vong liên quan đến rượu bia giảm hẳn, điều này cho thấy quy định hiện hành có tác động rất tốt. Nên để nó tiếp tục phát huy hiệu quả chứ đừng nhanh chóng thay đổi khi chỉ mới có thành tựu bước đầu.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia dẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Hoàng Minh
Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
Mới nhất