Đưa nghị quyết vào thực tiễn: Quảng Nam lấy quy hoạch làm điểm xuất phát

Long Phi/-VOV Miền Trung | 04/07/2021, 05:29

Quy hoạch đấy phải nói lên được tất cả những yếu tố về khai thác địa hình, cảnh quan, khai thác được vấn đề kinh tế phát triển ở khu vực, liên kết được các đô thị với nhau bằng hệ thống giao thông".

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 và là địa phương có đóng góp quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung.

Đứng trước thời cơ và thách thức mới, Quảng Nam xác định tất cả những định hướng, chương trình hành động và những mũi đột phá phải bắt đầu từ công tác quy hoạch. Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài cũng là thời điểm thích hợp để Quảng Nam rà soát, đánh giá lại những quy hoạch đã thực hiện, sớm hoàn thiện quy hoạch mới. Từ đây sẽ tạo tiền đề để Quảng Nam đón đầu, nắm bắt cơ hội, tạo sức bật mới cho sự phát triển khi mà dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.

Quảng Nam là địa phương có diện tích rộng, địa hình đa dạng… Đặc biệt, những năm gần đây, cơ sở hạ tầng của địa phương này rất phát triển, nhất là các công trình hạ tầng chiến lược như: đường cao tốc, quốc lộ, đường ven biển, cảng biển, sân bay. Ngoài ra, với nền tảng có sẵn từ Khu Kinh tế mở Chu Lai, sự “trỗi dậy” của vùng Đông Quảng Nam và cả những tiềm năng to lớn của khu vực miền núi phía Tây đang dần được khai phá… Năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quảng Nam xác định đây là thời điểm thích hợp để đẩy nhanh tiến độ rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh bổ sung và lập các quy hoạch mới.

Hiện nay, Quảng Nam đang đối mặt với những thời cơ và thách thức đan xen trước một giai đoạn phát triển mới. Trong đó, cần nhìn nhận và đánh giá một cách tổng thể để phát huy tối đa tiềm năng của những vùng đất đã được khai mở bằng các quy hoạch bài bản, chính xác, trên cơ sở nhìn xa, tiếp cận được với tư duy về quy hoạch mới, với những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, tất cả những mũi đột phá mà Quảng Nam đặt ra phải bắt đầu từ quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển…Theo ông Trí, trong bối cảnh phát triển mới của nền kinh tế hội nhập và thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 việc kết nối liên vùng để phát triển, không giới hạn bởi không gian hành chính của bất kỳ địa phương nào thì điều đó càng trở nên quan trọng.

Đối với Quảng Nam, địa phương có vị trí trọng yếu trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, do đó, ông Trí cho rằng,  Quảng Nam cần nhìn nhận, đánh giá lại quy hoạch, vừa đảm bảo cho sự phát triển nội tại của Quảng Nam nhưng vừa tạo sự gợi mở, kết nối phát triển với các địa phương lân cận, thậm chí với các nước bạn. Không gian phát triển của Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung nói chung sẽ được mở rộng, giao lưu hàng hóa, tương hỗ lẫn nhau để tất cả các bên đều hưởng lợi từ công tác quy hoạch và đầu tư phát triển.

Từ năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, tham vấn các nhà khoa học trong quá trình điều chỉnh và lập quy hoạch mới. Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Quảng Nam là một trong những địa phương rất chú trọng việc lập các quy hoạch, kể cả khu vực đô thị, nông thôn, khu vực các huyện và liên huyện...

Theo ông Trần Ngọc Chính,  từ thời điểm tái lập tỉnh Quảng Nam năm 1997 cho đến bây giờ, công tác quy hoạch luôn được tỉnh này đặc biệt xem trọng trong chiến lược phát triển. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, tầm nhìn và tư duy phát triển có sự thay đổi, những vấn đề mới nảy sinh, những bất cập từ khâu lập quy hoạch, công bố quy hoạch, triển khai quy hoạch cho đến điều chỉnh quy hoạch… còn nhiều tồn tại cần sớm được chỉ ra và tái cấu trúc lại:

"Quy hoạch đấy phải nói lên được tất cả những yếu tố về khai thác địa hình, cảnh quan, khai thác được vấn đề kinh tế phát triển ở khu vực, liên kết được các đô thị với nhau bằng hệ thống giao thông. Kết nối các đô thị theo hướng Bắc Nam, Đông Tây hiện vẫn còn thiếu sót, chúng ta cần có những quy hoạch hết sức bài bản. Phải có quy hoạch chi tiết, có thiết kế đô thị để khi vào dự án phải làm theo đúng cái yêu cầu phát triển đó với việc đánh giá tác động môi trường và phải bảo vệ môi trường"-Ông Trần Ngọc Chính nói.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Quảng Nam đang đứng trước thời cơ rất lớn để tạo ra một thời kỳ phát triển mạnh, ngay ở thời điểm này cần có tầm nhìn dài hạn, quy hoạch lại hệ thống đô thị với một cách tiếp cận mới. Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, phía Bắc Quảng Nam có Hội An, Mỹ Sơn… là những đô thị mô tả một quá trình lịch sử khá lâu đời. Còn phía Nam Quảng Nam là Khu kinh tế mở Chu Lai với rất nhiều mật độ kinh tế từ khu công nghiệp, cảng nước sâu hay sân bay Chu Lai…

Đặt vấn đề về việc hình thành chuỗi đô thị cho Quảng Nam theo trục ven biển, ven sông như một dòng chảy lịch sử, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, việc quan trọng mà Quảng Nam cần sớm bắt tay thực hiện, đó là khu vực phía Bắc quy hoạch để phát triển du lịch trở thành thương hiệu; Khu vực phía Nam cần sớm củng cố Khu kinh tế mở Chu Lai, gắn kết với việc thu hút du lịch, củng cố nâng cấp sân bay Chu Lai và cảng nước sâu. Trong quá trình phát triển đô thị, cần giải bài toán thu hút dân cư, giải quyết lao động tại khu công nghiệp.

GS.TS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm,  việc xây dựng một vùng du lịch gắn với lịch sử tại phía Bắc và phát triển đô thị gắn với công nghiệp và dịch vụ tại phía Nam hoàn toàn trong nhiệm kỳ này chúng ta có thể làm được. Còn đoạn chuyển từ Bắc đến Nam chúng ta có thể làm muộn hơn ở những nhiệm kỳ tiếp theo: "Chúng ta sẽ xem đoạn trung chuyển ở giữa của Quảng Nam nên làm như thế nào. Rồi câu chuyện kết nối vùng đô thị ven biển với vùng núi phía Tây Quảng Nam sẽ làm như thế nào. Phát triển gì cho vùng Tây để đảm bảo hỗ trợ cho vùng Đông ven biển. Đồng thời cũng nâng cấp được cuộc sống cho những người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi tại phía Tây".

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường quản lý công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, chỉnh trang, sắp xếp dân cư. Trong đó nhấn mạnh, quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng cần có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo lợi ích hài hòa của Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư. Ngoài quy hoạch tổng thể, thì việc đầu tư xây dựng các quy hoạch chi tiết ở từng địa bàn cần thực hiện chặt chẽ hơn, tránh tình trạng thực hiện một cách tùy tiện, phải điều chỉnh nhiều lần vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa cản trở sự phát triển.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, lần này, tỉnh sẽ cân nhắc điều chỉnh quy hoạch cả vùng động lực phía Đông và khu vực miền núi phía Tây. Trong quá trình tổ chức thực hiện, sẽ cân nhắc, tính toán để cân bằng giữa sự phát triển với bảo tồn văn hóa, môi trường sinh thái.

Ông Lê Trí Thanh khẳng định, phải tích cực triển khai các cơ chế chính sách, các quy hoạch, các dự án để đầu tư phát triển vùng đất đó, để người dân được hưởng lợi từ những thành quả của sự phát triển. Do đó, việc tổ chức triển khai thực hiện, tham khảo ý kiến của cộng đồng nhân dân, tôn trọng ý kiến của nhân dân là cần thiết, nhưng cũng cần cân nhắc tất cả các mặt để làm sao đó sự phát triển của một vùng đất, một địa phương phải đem lại lợi ích cho tất cả các bên, cho nhà nước, cho cộng đồng doanh nghiệp, cho dân cư, cho sự phát triển những đồng thời phải giữ gìn được bản sắc. Thời gian qua, chúng ta đã có tham vấn ý kiến cộng đồng nhưng việc tham vấn này chưa đảm bảo tính khoa học, kỹ năng cần thiết để tiếp thu có chọn lọc những ý kiến thực sự xác đáng của bà con nhân dân.”

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đối với tỉnh Quảng Nam, kinh tế - xã hội đã có dấu hiệu khởi sắc, GRDP của Quảng Nam 6 tháng qua tăng hơn 11,7%, vượt xa con số 5,6% của cả nước. Quảng Nam là một trong 9 địa phương của cả nước có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số, đứng thứ 5 trên mặt bằng cả nước và cao nhất vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Cùng với nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, tỉnh Quảng Nam cũng tập trung rà soát, đánh giá lại những quy hoạch đã thực hiện, sớm hoàn thiện quy hoạch mới vào cuối năm 2021, từ đây sẽ tạo tiền đề để Quảng Nam có thể đón đầu, nắm bắt cơ hội và tạo nên sức bật mới cho sự phát triển khi mà dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt./.

Bài liên quan
Khai trừ ra khỏi Đảng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và khai trừ Đảng ông Trần Văn Tân.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất