Du lịch TP.HCM tự tin tiến đến mục tiêu của năm 2024

Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM | 16/01/2024, 11:37

Sở Du lịch TP.HCM đặt mục tiêu năm 2024 đón 6 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch phấn đấu đạt 190.000 tỷ đồng. Năm 2024, tình hình chung được dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhưng ngành du lịch TP.HCM tự tin sẽ đạt và thậm chí đạt cao hơn các mục tiêu của năm.

Du lịch tiếp đà tăng trưởng 2023

Năm 2023 là năm có nhiều biến động, khó khăn thế nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch tại TP.HCM vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra. Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Vietluxtour chia sẻ, thị trường khách quốc tế của doanh nghiệp tăng trưởng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2022.

Tiếp đà tăng trưởng này, Vietluxtour đặt mục tiêu tăng trưởng 25 - 30% trong năm 2024, dù được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn. Theo ông Dũng, ngành du lịch rất dễ ảnh hưởng và chịu tác động trực tiếp từ giá cả xăng dầu, các bất ổn về chính trị, kinh tế của khu vực và thế giới.

Ông Trần Thế Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Vietluxtour nói: “Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 mọi thứ sẽ ổn định và khởi sắc. Các vấn đề xung đột về kinh tế, chính trị giữa các nước sẽ được giải quyết tốt hơn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024, chúng tôi nghĩ phải cần có sự đầu tư nhiều hơn công tác xúc tiến, quảng bá du lịch TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng phải tự nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu mình đặt ra”.

Kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp đã đóng góp vào sự phục hồi của ngành du lịch TP.HCM, khi địa phương này tiếp tục dẫn đầu cả nước về doanh thu và tỷ lệ khách du lịch. Mặc dù lượng khách du lịch đến TP.HCM trong năm qua ước đạt chỉ bằng 60% lượng du khách năm 2019, nhưng tổng thu du lịch trên 160.000 tỷ đồng (chiếm 24% tổng doanh thu du lịch cả nước), vượt xa con số 140.000 tỷ đồng doanh thu của năm 2019.

Hạn chế cần khắc phục

Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận du lịch TP.HCM vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt – đơn vị chuyên khai thác tour nội đô cho rằng, TP.HCM có hơn 150 bộ sản phẩm về tuyến, tour du lịch nội đô và đường thủy. Nhưng hiện nay, các tour, tuyến này đều khá đơn giản và cần phải được cải thiện.

Theo ông Duy, tài nguyên du lịch của TP.HCM rất đa dạng với đầy đủ các yếu tố: lịch sử, văn hóa, ẩm thực, sinh thái tự nhiên,... Hiện nay, hầu hết các quận, huyện của TP.HCM đều có những sản phẩm du lịch đặc trưng, những câu chuyện riêng. Thế nhưng quá trình quảng bá, truyền thông vẫn chưa thể tiếp cận nhiều khách hàng, do phải cần khoảng thời gian nhất định. Mặt khác, việc khai thác, phát triển các tài nguyên du lịch này còn mang tính đơn lẻ, thiếu liên kết giữa các điểm đến, các khu du lịch tại địa phương.

“Quả thực rằng để tìm được cơ sở đạt chuẩn phục vụ cho khách du lịch tại TP.HCM, chúng ta vẫn cần phải hoàn thiện hơn rất nhiều về cơ sở hạ tầng. Bởi hiện tại không phải điểm đến nào cũng có và đáp ứng đủ không gian để phục vụ cho toàn bộ các đoàn khách. Ngoài ra, hệ thống giao thông, bến bãi cũng là một trong những vấn đề chúng ta cần phải hoàn thiện. Hiện có rất nhiều tuyến đường lắp đặt các biển báo gây cản trở, khó khăn trong việc dẫn khách đến tham quan”, ông Trần Quang Duy nói.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng sau 3 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành du lịch TP.HCM đã xây dựng khá đầy đủ, hoàn thiện, đa dạng các bộ sản phẩm với đầy đủ các loại hình du lịch. Tuy nhiên, cái thiếu của ngành du lịch TP.HCM là chưa đón đầu xu thế du lịch mới – du lịch tự túc và thiếu nguồn nhân lực qua đào tạo.

“Sau dịch Covid-19, xu thế du lịch đi theo nhóm gia đình, nhỏ lẻ, không qua bất cứ công ty du lịch nào đang có xu hướng tăng cao. Thời gian tới, chúng ta cần phải tính toán làm sao để tập trung, đón đầu lượng khách tự đi này. Cần phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo chuyên ngành du lịch và đào tạo các ngoại ngữ. Hiện nay có những ngoại ngữ hiếm, đôi khi kiếm được hướng dẫn viên, người phục vụ rất khó khăn”, bà Phương Hoàng nhận định.

Mục tiêu 6 triệu khách quốc tế là thấp

Ở góc độ nhà quản lý, ông Lê Trương Hiền Hoà - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết các sản phẩm du lịch hiện nay của TP.HCM rất đa dạng, như: du lịch đường thuỷ, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch y tế, du lịch văn hoá, du lịch lịch sử… Trong đó, nhiều loại hình đang phát triển và cho tín hiệu tốt về tăng trưởng du khách trong tương lai.

Ngành du lịch TP.HCM xác định nhiệm vụ trọng tâm của trong năm 2024 là làm mới và làm tốt hơn các sản phẩm du lịch này. Ông Lê Trương Hiền Hoà bày tỏ sự lạc quan và tự tin sẽ đạt được các mục tiêu năm 2024, thậm chí cao hơn: “Hiện nay, ngoài những sự kiện quảng bá tại TP.HCM thì sự kiện quảng bá tại nước ngoài cũng được chúng tôi chú trọng, định hình những thị trường khác nhau để thu hút du khách. Bên cạnh đó, công tác an ninh, an toàn về du lịch, chúng tôi cũng sẽ thông qua những ứng dụng mới để đảm bảo an toàn cho du khách. Đối với mục tiêu đưa ra lần này, chúng tôi tự tin là hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí cao hơn. Bởi hiện nay Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa ra chỉ tiêu năm 2024 là gần 20 triệu lượt khách quốc tế, trong khi đó TP.HCM đưa ra con số 6 triệu khách là hơi thấp”.

TP.HCM đã được vinh danh là "Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á", "Điểm đến Lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á" và nằm trong top 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2023… Nhưng thực tế du khách quốc tế đến TP.HCM vẫn chưa phục hồi so với năm 2019.

Ngoài những khó khăn nêu trên, đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng chính sách visa mới của Việt Nam vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút du khách. Thời gian tới, ngành du lịch TP.HCM cần tiếp tục triển khai quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thu hút du khách, để xứng tầm với thương hiệu du lịch TP.HCM đang được khẳng định trên phạm vi quốc tế.

Bài liên quan
Du lịch y tế tại TP.HCM - tiềm năng rất lớn cần được khơi thông
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến khám chữa bệnh, trong đó có tới 40% lượng khách tập trung tại TP.HCM. Điều đó cho thấy TP.HCM rất có tiềm năng và điều kiện để triển khai du lịch y tế nếu được khơi thông bằng các hoạt động quảng bá và chính sách hỗ trợ cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim
VOVLIVE - Trưa ngày 21/11, ngay sau Lễ đón trọng thể tại Phủ Thủ tướng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.
Mới nhất