Đồng hành cùng người lao động
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, năm 2021 có 122.700 người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp, nhưng đến cuối tháng 10/2022, đã có 128.647 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, hiện, nhu cầu tuyển dụng cuối năm của nhiều doanh nghiệp là 43.000 người, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ Tết. Đây là cơ hội lớn cho những lao động các ngành dệt may, da giày, lĩnh vực đồ gỗ hay điện tử đang chịu ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm nhân sự có thể tìm việc làm mới.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, trước thực trạng hàng vạn lao động đang bị mất việc làm ngay trước Tết, cần phải nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động bởi thời điểm cuối năm thị trường sôi động cũng là cơ hội để tìm việc làm mới.
“Sở chỉ đạo Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm ở những địa bàn có phương án sắp xếp người lao động cho các doanh nghiệp. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố với các quận huyện, để giải quyết kịp thời các chính sách cho người lao động. Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Liên đoàn lao động để kịp thời hỗ trợ khi có người lao động nghỉ việc”, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết.
Còn tại Bình Dương, từ đầu năm 2022 đến nay, số lao động bị tạm ngưng hợp đồng khoảng 28.000 người; khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm. Người lao động bị tạm dừng hợp đồng hoặc cắt giảm giờ làm chủ yếu thuộc khối dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ngoài ra, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã phê duyệt quyết định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp cho gần 70.000 lao động.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, ngành sẽ tăng cường kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để đảm bảo có sự gặp gỡ gần nhất và nhanh nhất giữa người tìm việc và việc tìm người; đồng thời, nhanh chóng giải quyết trợ cấp thất nghiệp và tư vấn hỗ trợ học nghề cho người lao động từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm thêm đơn hàng cho doanh nghiệp để tạo việc làm cho người lao động; Liên đoàn lao động tỉnh sẽ rà soát các trường hợp khó khăn để có chính sách hỗ trợ để giảm khó khăn, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
“Để giảm bớt những khó khăn này thì cần sự chia sẻ của cả 2 phía. Doanh nghiệp sẽ cố gắng bố trí việc làm cho người lao động trong khả năng có thể và đảm bảo các chính sách phúc lợi cho người lao động một cách hài hòa. Còn người lao động cũng phải chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp do việc cắt giảm đơn hàng. Cốt lõi là ở cả 2 phía đều cùng nhau chia sẻ để vượt qua thời gian khó khăn này”, ông Phạm Văn Tuyên cho hay.
Ổn định đời sống công nhân
Trước khó khăn như hiện nay, dự báo năm nay Bình Dương sẽ có khoảng 400.000 công nhân ở lại ăn Tết. Do đó, tỉnh đã lên kế hoạch chăm lo Tết cho công nhân, dự kiến sẽ trao tặng 46.500 phần quà, mỗi phần 500.000 đồng tặng cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ ngân sách tỉnh. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh sẽ vận động các cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ thêm cho những công nhân khó khăn để họ có thêm điều kiện đón Tết xa quê.
Còn theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách – Pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM, qua khảo sát của các cấp công đoàn tại TP.HCM, hiện có 154 doanh nghiệp với 30.157 lao động bị ảnh hưởng. Dự báo, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự vào những tháng cuối năm và sang năm tới sẽ còn khó khăn. Nhằm ổn định tâm lý cho người lao động, Liên đoàn lao động TP sẽ thông tin rộng rãi và thực hiện đối thoại, phân tích tình hình, các vấn đề xảy ra để người lao động hiểu. Đồng thời, thông qua trung tâm tư vấn pháp luật và hệ thống liên đoàn lao động quận huyện, để tuyên truyền cho người lao động biết về quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó công nhân tự giám sát khi doanh nghiệp thực hiện các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp mất việc…
“Liên đoàn lao động thành phố dự kiến sẽ xây dựng một phương án (hiện đã chuẩn bị dự thảo) để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do việc giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất trong thời gian từ nay đến Tết hoặc sau Tết để có những bước hỗ trợ cho người lao động. Tin tưởng rằng, với sự điều hành, với những nội dung sắp tới thì việc giảm đơn hàng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn”, ông Nguyễn Thành Đô cho hay.
Tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, ngoài lập các đoàn công tác đến các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng để động viên, chia sẻ khó khăn với người sử dụng lao động và người lao động, Liên đoàn lao động huyện cũng tích cực giới thiệu việc làm cho người lao động, đặc biệt là công nhân lớn tuổi. Còn ở khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai, công đoàn của khu chế xuất nỗ lực cùng với các công đoàn cơ sở, thực hiện đàm phán với chủ sử dụng lao động để người lao động ít bị thiệt thòi nhất, nhất là vấn đề tiền lương, phúc lợi cho công nhân….
Theo nhiều chuyên gia, giai đoạn khó khăn là khách quan, cũng là thời điểm người lao động nên tranh thủ học tập, nâng cao kỹ năng, tay nghề để thích nghi với tình hình mới. Về phía doanh nghiệp, trong lúc ngắt quãng sản xuất, bên cạnh việc chủ động tìm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho người lao động, nên tăng cường đào tạo nghề dự phòng cho họ. Các đơn vị nên lên kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự, để tiếp nhận các đơn hàng trong tương lai, sau này có thể đón đầu việc phục hồi./.