Chiều ngày 3/12, trường Đại học Trà Vinh tổ chức Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long: Những nhà sáng chế từ thực tiễn”, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà sáng chế và đại diện doanh nghiệp. Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi trường Đại học Trà Vinh, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Hội Sáng chế Việt Nam cùng các đối tác khác, nhằm mang lại giá trị thiết thực cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Diễn đàn vinh dự chào đón ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sáng chế Việt Nam và Viện trưởng Viện phát triển sáng chế và Đổi mới công nghệ, cùng với lãnh đạo các cơ quan, chuyên gia, nhà sáng chế và đại diện doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Ban Giám hiệu trường Đại học Trà Vinh cũng có mặt để tham dự cùng đông đảo sinh viên.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS. Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả sản xuất. Ông cho rằng đổi mới sáng tạo cần phải xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Những ý tưởng sáng chế không chuyên từ cuộc sống hàng ngày dù gặp nhiều khó khăn nhưng lại mở ra cơ hội lớn cho sự sáng tạo.
“Diễn đàn là dịp tôn vinh các ý tưởng sáng chế thành công, đồng thời tiếp nối, hỗ trợ những ý tưởng mới từ lúc còn phôi thai. Mục tiêu mà trường Đại học Trà Vinh đang hướng đến là trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cộng đồng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long", PGS.TS. Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh cho biết.
Tại diễn đàn, các nhà sáng chế tư vấn, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình khởi nghiệp với sinh viên trường ĐH Trà Vinh; đồng thời khơi dậy cho sinh viên niềm đam mê sáng tạo, mạnh dạn thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.
Ông Hoàng Thanh Liêm, tác giả sáng chế "Máy xúc lúa vào bao", người đã giành hơn 10 giải thưởng trong lĩnh vực sáng chế, chia sẻ: “Nhà sáng chế không chỉ tạo ra những sản phẩm đột phá mà còn là hành trình của sự bền bỉ, tinh thần học hỏi và đổi mới không ngừng.”
Ông khẳng định, thành công không chỉ nằm ở đích đến mà còn ở từng bước vượt qua thử thách để biến ý tưởng thành hiện thực trong cuộc sống. Tham gia Diễn đàn tại trường Đại học Trà Vinh, ông Liêm ví von cảm giác như đang chinh phục đỉnh Olympia, nơi quy tụ những nhà sáng chế thực tiễn và những tài năng trẻ đầy triển vọng.
Đây không chỉ là một sân chơi để thử thách kiến thức và kỹ năng, mà còn là cơ hội để lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng, sinh viên và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các sáng chế được giới thiệu tại diễn đàn mang tính ứng dụng cao như máy sấy muối ớt, bộ lọc nước tưới vườn công suất lớn, máy cho tôm ăn tự động, máy xạ khóm cải tiến 2 trong 1, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt, và ứng dụng công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc cây giống.
Dịp này, trường ĐH Trà Vinh và Hội Sáng chế Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực khoa học- công nghệ, đặc biệt là sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo.
Một điểm nhấn nổi bật của sự kiện là phần trình bày các sản phẩm từ những nhà sáng chế "không chuyên", với nhiều giải pháp độc đáo như Máy sấy muối ớt ướt giúp nâng cao hiệu quả chế biến thực phẩm; Bộ lọc nước tưới vườn công suất lớn cải thiện hiệu quả tưới tiêu; và Máy cho tôm ăn tự động tối ưu hóa quy trình nuôi tôm. Các sản phẩm như Máy xạ khóm cải tiến 2 trong 1 hay Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt cũng nhận được sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, các nhà sáng chế đã chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình từ ý tưởng đến sản phẩm thực tế. Những khó khăn họ gặp phải trên con đường khởi nghiệp trở thành bài học quý giá cho người tham dự, đặc biệt là sinh viên và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Bé, chủ cơ sở sản xuất muối sấy Ngọc Yến, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn từ các sáng chế tại diễn đàn này mở ra cơ hội kết nối giá trị phục vụ cho sự phát triển bền vững của khu vực.” Ông cũng truyền tải thông điệp rằng mọi vấn đề đều có thể thay đổi theo hướng tích cực nếu chúng ta dám nhìn nhận và thay đổi.
Trong phần tọa đàm mở, các đại biểu đã thảo luận về giải pháp đổi mới trong nông nghiệp, thủy sản cũng như xử lý chất thải. Diễn đàn không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các sản phẩm mà còn tạo ra không gian kết nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp.
Với mục tiêu khơi dậy tinh thần đổi mới và thúc đẩy phát triển bền vững, diễn đàn góp phần định hướng vai trò của ĐBSCL trong việc phát triển các giải pháp gắn liền với thực tế địa phương. Các chuyên gia nhấn mạnh đây là bước tiến quan trọng trong việc giải quyết những thách thức như biến đổi khí hậu hay ô nhiễm môi trường.
Diễn đàn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL, khơi dậy tinh thần sáng tạo từ thực tiễn đời sống. Thông qua diễn đàn này, nhiều nhà sáng chế có cơ hội kết nối với doanh nghiệp và chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện cũng như triển khai các ý tưởng đột phá vào thực tế.