Dịch sốt xuất huyết tại Vĩnh Long tăng gấp 7 lần so với năm trước

Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL | 02/11/2022, 17:10

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở Vĩnh Long diễn biến rất phức tạp, trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận vài chục ca mắc mới và đã 3 trường hợp đã tử vong. Vĩnh Long hiện đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Thời gian gần đây, lượng bệnh nhân đến khám điều trị bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế trong tỉnh không ngừng tăng. Tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế TP. Vĩnh Long hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân sốt xuất huyết đến nhập viện. Đặc biệt, trong 1 tháng gần đây, số bệnh nhi khám và nhập viện tăng vọt. Các trẻ mẫu giáo tiếp xúc với môi trường tập thể bệnh lây lan rất nhanh. Nếu không được phát hiện sớm bệnh có thể diễn biến nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Trần Chí Công, Phó trưởng khoa nhi, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long, trẻ đang hòa nhập lại hoàn toàn sau thời gian dài giãn cách xã hội, nhiều trẻ từng mắc bệnh lý COVID-19 có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và phản ứng viêm… Do đó, phụ huynh cần chú ý các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, nhất là trẻ có bệnh nền, bệnh bẩm sinh bởi những trẻ này có hệ miễn dịch kém, dễ bị virus tấn công trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi.

Bác sĩ Trần Chí Công cho biết thêm: "Các bật phụ huynh nên lưu ý trong những ngày đầu, ngày thư nhất, ngày thứ hai khi trẻ có triệu chứng sốt cần phải cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt, trong 48 giờ sau theo dõi trẻ hạ nhiệt. Sau 48 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt thì bắt buộc phải đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế  để có xét nghiệm kịp thời  để phát hiện sớm tình trạng sốt xuất huyết để theo dõi có điều trị phù hợp".

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 2.880 ca mắc, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 3 trường hợp đã tử vong, so với năm ngoái không có ca tử vong nào. Các ổ dịch tập trung nhiều nhất tại huyện Tam Bình, Bình Tân và thành phố Vĩnh Long với gần 400 ca.

Trước diễn biến của dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành các cấp tăng cường triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên ý thức phòng ngừa dịch bệnh của người dân được nâng lên.

Chị Hồ Thu Thủy ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình cho biết: "Địa phương mình cũng có tình trạng sốt xuất huyết hơi cao nên mình phải vệ sinh sạch sẽ, dọp dẹp nhà cửa úp nước, quét dọn sạch sẻ không cho lăng quăng sinh sống, không sinh ra muỗi để phòng chống bệnh".

Bên cạnh công tác phòng ngừa, các cơ sở y tế trong tỉnh Vĩnh Long còn triển khai tốt công tác điều trị, thực hiện nghiêm túc công tác thu dung, chẩn đoán, điều trị, chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hiệu quả. Rà soát trang thiết bị, thuốc, dịch truyền phục vụ công tác điều trị người bệnh SXH, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử. Bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền... Tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú trong các ngày nghỉ để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh có diễn biến nặng. Củng cố và duy trì hoạt động của "nhóm điều trị bệnh SXH" và "đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXH" tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn.

Ông Huỳnh Thanh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm: "Người dân cần phải quan tâm phòng chống sốt xuất huyết cho gia đình của mình bằng biện  pháp cụ thể như là phải thường xuyên kiểm tra những dụng cụ chưa nước xung quanh nhà, lật úp đổ nhỏ những dụng cụ có lăng quăng, không cho muỗi văng vào đó sinh sản. Muỗi vằng là muỗi hoạt động vào ban ngày  nếu ngủ ban ngày cũng phải giăng mùng và cho con mặc áo dài tay để phòng chống muỗi đốt".

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết thêm, những trẻ đã từng bị nhiễm COVID-19, hệ thống miễn dịch suy giảm, khi mắc bệnh sốt xuất huyết rất dễ bị chuyển nặng. Do đó rất cần sự chung tay phòng ngừa dịch bệnh của người dân để cùng ngành y tế sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay./.

Bài liên quan
Cảnh giác với các bệnh dịch mùa hè
VOVLIVE - Dù mới bước vào đầu mùa hè, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, 15.000 ca sốt xuất huyết, hàng trăm ca mắc sởi, ho gà. Bên cạnh đó là ca bệnh đầu tiên mắc cúm A/H9N2, 1 một bệnh nhân nam đã tử vong do cúm A/H5N... Những diễn biến của dịch bệnh mùa hè đang đặt ra những vấn đề gì đối với hệ thống dự phòng và người dân?

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất