Hà Nội hiện là một trong số ít các đô thị di sản trên thế giới có bề dày phát triển hàng nghìn năm. Điều kiện đó chính là nền tảng tạo nên một thành phố lịch sử văn hoá với hàng nghìn di tích. Tuy nhiên tại không ít nơi, di sản vẫn bị coi như những trở lực trong quá trình phát triển. Đặc biệt, quan niệm bảo tồn di sản truyền thống theo các khuôn mẫu hiện nay khiến việc bảo tồn di sản được hiểu như một hoạt động tốn kém.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, Tọa đàm khoa học “Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội” do Khoa các Khoa học Liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội đã được tổ chức vào sáng ngày 23/11 tại Hà Nội.
Với các nội dung chính được đề cập: Di sản văn hóa và mối quan hệ với thành phố sáng tạo, lý thuyết về không gian di sản và ứng dụng cho mô hình thành phố sáng tạo, bảo tồn và phát huy các nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong thành phố sáng tạo, sự sáng tạo từ trong di sản kiến trúc Hà Nội, nhà tập thể và không gian sáng tạo Hà Nội đương đại, xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo định vị thương hiệu điểm đến Hà Nội, toạ đàm đã mang đến những góc nhìn khác nhau về vai trò của di sản văn hóa và mối quan hệ của di sản với thành phố sáng tạo.
Theo PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương – Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, di sản không phải của quá khứ mà là khát vọng của đương đại. Di sản kết nối và sử dụng quá khứ cho nhu cầu hiện tại với tầm nhìn tương lai. Với vai trò kết nối, di sản là một bộ phận không thể tách rời với sự vận động của xã hội và đời sống kinh tế hiện đại. Ngoài những giá trị lịch sử và thẩm mỹ, di sản dù là vật thể hay phi vật thể đều là một tài sản độc đáo được tạo ra trong không gian đương đại kết nối với không gian hiện đại tạo ra những giá trị, căn tính xã hội và truyền cảm hứng cho hoạt động của con người hiện đại.
“Từ danh hiệu Thành phố hoà bình năm 1999, 20 năm sau với danh hiệu Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã trở mình và mang theo những khát vọng mới. Với những di sản văn hóa vô cùng phong phú: gần 6000 di tích lịch sử, gần 1800 di sản văn hóa phi vật thể, 149 bảo vật quốc gia cùng nhiều bảo tàng công lập, tư nhân. Sự phong phú của di sản chính là động lực quý giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa sẵn, làm nên một thành phố sáng tạo phát triển bền vững” - PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương cho biết.
Bàn về bài toán bảo tồn di sản, TS-KTS Lê Phước Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không nên “đóng băng” di sản tại các bảo tàng nếu không muốn chúng biến mất nhanh hơn: “Theo quan niệm phương Đông, vạn vật trên đời này đều có vòng đời và tuổi thọ, khi đã hoàn thành trách nhiệm của mình sẽ mất đi. Việc bảo tồn một thứ gì đó sẽ mang tính phản tự nhiên.
Chúng ta không thể duy trì một thứ gì đó bằng cách đóng bằng cách đóng băng chúng lại. Nếu muốn chúng "sống", muốn di sản "sống", chúng ta phải buộc phải thay đổi nó và sáng tạo nó. Còn nếu chỉ đóng băng và giữa nguyên hiện trạng chỉ khiến di sản chết nhanh hơn thôi” – TS. KTS Lê Phước Anh bày tỏ./.