Đề xuất hạn chế học sinh sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/ tuần là hợp lý?

Bích Ngọc/VOV1 | 27/03/2024, 16:11

Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm song không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Quy định này đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm song không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Học sinh, sinh viên được trả tiền làm thêm giờ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ trên thời gian thực tế làm, khối lượng và chất lượng công việc. Quy định này đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Đề xuất này có phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay tại nước ta? Phóng viên Bích Ngọc phỏng vấn TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội.

PV: Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về đề xuất mới đây của Bộ LĐTBXH giới hạn giờ làm thêm với học sinh sinh viên không quá 20 giờ mỗi tuần?

TS Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta hạn chế thời gian làm thêm giờ part time của học sinh sinh viên với mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo của các em trong nhà trường, tạo cơ hội để các em dành thời gian để học tập phấn đấu rèn luyện. Với quy định cho các em làm thêm giờ cũng là quá trình trải nghiệm trong thực tiễn và quan trọng nữa là các em các cháu có thêm thu nhập để đảm bảo cuộc sống trong quá trình học tập rèn luyện, phấn đấu.

Để nâng cao chất lượng học tập, việc chúng ta quy định làm thêm không quá 20 giờ trong 1 tuần trong thời kỳ đang học và không quá 48 giờ trong thời trong một tuần của thời kỳ được nghỉ, bản thân tôi cho là hợp lý, để vừa tạo cho các em được rèn luyện, được trải nghiệm, được nâng cao năng lực về thể chất và quan trọng nhất là có thêm thu nhập.

Vấn đề quan trọng là nhà trường phải quản lý, biết rằng các em làm thêm nhưng tránh tình trạng làm những ngành nghề bị cấm hoặc là làm việc trong điều kiện không có lợi cho học sinh, sinh viên. Thêm nữa, chúng ta phải quy định rõ việc trả lương cho các em như thế nào để phù hợp với khả năng cống hiến lao động và năng lực của các em.

Tôi nghĩ rằng chúng ta phải quản lý để các cơ sở sử dụng học sinh sinh viên không được trả lương cho các em thấp hơn quy định của mức lương tối thiểu vùng. Điều này thể hiện sự bình đẳng và thể hiện sự chi trả tiền lương phù hợp với sức lao động của các em

PV: Trong dự thảo sửa đổi Luật Việc làm cũng đề nghị là giới hạn số giờ làm thêm của sinh viên thì cũng có rất nhiều bất cập. Ví dụ như tại Khoản 3 Điều 30, dự thảo luật yêu cầu đảm bảo sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người lao động thế nhưng rõ ràng là việc giới hạn giờ làm thêm của sinh viên cũng đang vi phạm quyền bình đẳng trong lao động của các bạn trẻ. Ông có nghĩ như vậy hay không?

TS Bùi Sỹ Lợi: Nếu như quy định mà vượt quá khả năng của các em thì đó là trái luật và vi phạm đến quyền được làm việc.

Quyền được làm thêm của các em là chính đáng nhưng trong định hướng và trong luật pháp. Chúng ta phải quy định thời gian làm thêm phải đáp ứng được yêu cầu để phát triển thể lực và đó cũng là quá trình quản lý nhà nước về vấn đề việc làm của học sinh, sinh viên. Vì nhiệm vụ chính của các em là học tập rèn luyện để nâng cao kiến thức, để thu thập kiến thức, để cống hiến đóng góp, để trưởng thành. Do đó chúng ta cũng phải có những quy định rất cụ thể như thế để tránh sự lạm dụng của các cơ sở sử dụng lao động và cũng tránh tình trạng các em say sưa quá đối với công việc, say sưa với việc kiếm tiền vì cuộc sống khó khăn mà lại quên lãng đi việc học tập và rèn luyện của bản thân học sinh, sinh viên.

PV:Thưa ông, trên thế giới, nhiều nước cũng quy định là học sinh được làm thêm từ 20 đến 24 giờ mỗi tuần như Anh, Australia, Mỹ, Phần Lan. Còn ở châu Á thì sinh viên tại Nhật và Hàn Quốc cũng được phép làm thêm nhưng không quá 28 giờ và 25 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, quy định này thì chỉ áp dụng với sinh viên quốc tế và không có giới hạn với sinh viên là công dân nước sở tại nhằm mục đích cư trú lẫn bảo vệ lao động nội địa. Như vậy thì liệu quy định của nước ta đang có độ vênh so với các nước?

TS Bùi Sỹ Lợi: Thực tế có độ vênh bởi thực chất là do phương thức quản lý của các nước khác nhau. Bởi vì các nước muốn tạo việc làm cho học sinh, sinh viên, tức là tạo cho lao động nội địa học sinh, sinh viên có nhiều việc làm hơn và thu nhập tốt hơn nên người ta chỉ quy định và hạn chế đối với học sinh, sinh viên là người quốc tế. Đó cũng là cách quản lý của các địa phương còn mình quy định như thế này là để phù hợp không chỉ với quốc tế mà vấn đề quan trọng là chúng ta tạo cơ hội để em phấn đấu rèn luyện trải nghiệm mà vẫn đảm bảo được chất lượng học tập và đảm bảo phát triển một cách toàn diện của con người. Chúng ta không nên cho rằng Việt Nam khắt khe hoặc là các nước là mở rộng cho học sinh sinh viên trong nước.

PV: Vâng! Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan
Khuyến khích sinh viên phát huy sức sáng tạo trên sân chơi kinh doanh trực tuyến
Khởi động mùa hè 2024 đầy nhiệt huyết, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic hợp tác với Rapido - thương hiệu gia dụng chất lượng Đức chính thức phát động cuộc thi "King of E-commerce" dành cho sinh viên ngành thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất