Vụ kiện ban đầu nêu tên 16 trường là Đại học Yale, Đại học Columbia, Đại học Duke, Đại học Brown, Đại học Emory, Đại học Georgetown, Viện Công nghệ California, Đại học Northwestern, Đại học Cornell, Dartmouth College, Đại học Pennsylvania, Đại học Vanderbilt, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Notre Dame, Đại học Rice và Đại học Chicago. Sau đó, Đại học Johns Hopkins được thêm vào đơn kiện.
Những người đâm đơn kiện nói rằng các trường này có chính sách tuyển sinh không quan tâm hoàn cảnh tài chính của thí sinh, nhưng cuối cùng, trường lại phạm luật khi xem xét đến thu nhập của gia đình sinh viên.
Ví dụ, Đại học Đại học Georgetown bị tố lập danh sách "ưu tiên" hàng năm với khoảng 80 thí sinh, gồm thông tin về phụ huynh, thu nhập và các khoản quyên góp trước đây. Danh sách không hề có thông tin về bảng điểm, thư giới thiệu của giáo viên hay bài luận của thí sinh.
Các cựu sinh viên cũng cáo buộc 17 trường này đã thông đồng để hạn chế các gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên trung lưu và sinh viên thuộc tầng lớp lao động.
Tuy nhiên, các trường được nêu tên trong vụ kiện lại phủ nhận và tìm cách bác bỏ vụ kiện. Họ nói rằng họ đã chi hàng trăm triệu USD viện trợ tài chính cho sinh viên và mới đây đã mở rộng hỗ trợ đáng kể cho sinh viên thu nhập thấp.
Trong một tuyên bố, Đại học Pennsylvania nói vụ kiện này là "vô căn cứ" và "bằng chứng trong đơn kiện cho thấy rõ rằng nhà trường không thiên vị tuyển sinh cho những sinh viên có gia đình quyên góp". Trường này cùng Đại học Cornell cùng Đại học Georgetown nói rằng ước tính thiệt hại của các sinh viên "về cơ bản là không đáng tin cậy", theo Washington Post.
Người phát ngôn Meghan Dubyak của Đại học Georgetown cũng cho biết nhà trường không đồng ý với khiếu nại của sinh viên, cựu sinh viên và sẽ tiếp tục bảo vệ mình.
"Chúng tôi tin rằng nhà trường đã có hành động trách nhiệm và luôn hướng đến mục tiêu chỉ tuyển những sinh viên có tiềm năng phát triển, có thể đóng góp và giúp cộng đồng của trường vững mạnh", người phát ngôn tuyên bố.