Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ trao giải, ông Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng Ban Tổ chức giải khẳng định: "Không nên để cho những thứ đẹp đẽ đã qua đi rồi, chúng ta mới nhìn nhận lại trong sự tiếc nuối. Ngay lúc này, quanh ta vẫn còn rất, rất nhiều những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm thầm lặng, vì tình yêu Hà Nội.
Và những người làm báo Thể thao và Văn hóa tự đặt cho mình một sứ mệnh là phải tìm kiếm, tôn vinh những giá trị đó bằng việc nỗ lực duy trì Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, một giải thưởng mang tên người họa sĩ tài ba đã để lại cho Hà Nội Phố Phái – Phái Phố bằng tình yêu của mình. Chúng tôi cũng muốn tiếp nối tình yêu đó và lan tỏa đến đông đảo công chúng".
Từ 31 hồ sơ đề cử ban đầu, qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Hội đồng giám khảo đã thông qua danh sách đề cử chính thức và các giải thưởng năm nay, gồm 11 đề cử, trên 4 hạng mục.
Cụ thể, "Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội" được trao cho đạo diễn, NSND. Đặng Nhật Minh vì đã cống hiến cho Hà Nội những tác phẩm văn học, điện ảnh xuất sắc.
Hai Giải "Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội" được trao cho: Cuốn sách "Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ" của Hồ Công Thiết (do NXB Lao động và Chibooks ấn hành); Triển lãm ảnh "Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting" (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên) của William E. Crawford do Không gian nghệ thuật Manzi, Phòng tranh Art Vietnam phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Giải "Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội" được trao cho: Festival “Thu Hà Nội - Đến để yêu” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội (UBND TP Hà Nội) tổ chức.
Giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" được trao cho: Chủ trương và các bước chuẩn bị tích cực của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng các đơn vị liên quan nhằm đưa "Hà Nội học" thành một môn học trong giáo dục phổ thông tại Hà Nội.
Từng được nhắc tới từ khá lâu và trong năm 2023 vừa qua, đề xuất đưa môn “Hà Nội học” thành một môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tại Hà Nội đã có thêm những bước đi khá cơ bản và thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Thực tế, đề xuất này xuất phát từ một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Thủ đô thuộc chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, có nội dung: “Xây dựng và phát triển đề án đào tạo giáo viên môn học Hà Nội học trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Thực hiện nội dung này, Thành ủy Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội xây dựng và triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm Đề án, cho biết: "Để có cơ sở khoa học xây dựng đề án, thời gian qua chúng tôi đã tổ chức Hội thảo: “Giáo dục địa phương Thành phố Hà Nội - thực trạng và giải pháp”. Hiện nay, các nhà khoa học cùng với nhóm tác giả đang triển khai xây dựng nội dung các chuyên đề, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023 để dạy thử nghiệm ở một số đối tượng. Đến năm 2024, các lớp bồi dưỡng sẽ bắt đầu diễn ra trong vòng khoảng hơn một năm.
Về lâu dài, như các chuyên gia đã nhắc tới trong hội thảo vừa qua, chúng ta cần đưa hẳn một môn học có tên “Hà Nội học” vào chương trình giáo dục tại các trường phổ thông ở Thủ đô. Môn học này cần được đào tạo giáo viên một cách bài bản, đồng thời phải được đối xử công bằng như những môn học khác trong nhà trường. Việc đưa “Hà Nội học” trở thành một môn học chính thức trong các trường của thành phố, từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông là hợp lý và hết sức quan trọng. Thực chất công việc này đang gián tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội trên mọi lĩnh vực.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra: “Khi chính thức là một mộn học, liệu “Hà Nội học” có trở thành “gánh nặng” kiến thức cho học sinh vốn đã chịu nhiều áp lực học tập? TS. Lê Thị Thu Hương cho biết, về bản chất, đây không phải là (thêm một) môn học mới, mà chỉ có tên gọi mới. Bởi trước đây, khi chưa triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta vẫn lồng ghép nội dung về địa phương Hà Nội trong các trường phổ thông dưới hình thức hoạt động ngoại khóa hoặc hoạt động ngoài giờ. Khi đó những hoạt động này chưa mang tính bắt buộc. Đến khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai, Giáo dục địa phương đã là môn học bắt buộc. Cho nên, ngay cả khi Hà Nội học thay thế môn Giáo dục địa phương, đó vẫn không phải là thêm một môn học mới mà đó vốn đã là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục 2018 (hiện đang thực hiện).