ĐBQH lo khi sữa giả, thực phẩm kém chất lượng “len lỏi” vào từng gia đình

Phi Long/VOV.VN | 15/05/2025, 07:00

Thời gian qua thực trạng sữa giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng “len lỏi” vào từng gia đình khiến dư luận bức xúc, đặt ra câu hỏi lớn về đạo đức kinh doanh và hiệu quả quản lý thị trường.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về hành vi nhận hối lộ liên quan đến vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán, liên quan đến Công ty MegaPhaco, MediUSA.

Trong số đó có bị can Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Trước đó, hàng loạt vụ việc khác như gần 600 nhãn sữa giả, thực phẩm chức năng giả, lòng xe điếu…bị lật tẩy khiến dư luận hoang mang.

Nêu vụ việc vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và bắt tạm giam một loạt cán bộ của cơ quan quản lý Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, nhìn nhận ở góc độ quản lý, đại biểu Quốc hội cho rằng đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Các đại biểu đặt câu hỏi, ai sẽ phải chịu trách nhiện khi người dân buộc phải dùng  những thực phẩm chứa chất độc hại?

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn TP.Huế) cho rằng, những hạn chế trong khâu hậu kiểm đã phản ánh rằng chúng ta chưa thực hiện tốt quy trình này, dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng, trong đó có cả việc một số cán bộ, công chức, viên chức bị truy tố trước pháp luật vì liên quan đến công tác kiểm duyệt vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điều rất đáng tiếc, nhưng cũng là một sự cảnh tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước nói chung và quản lý chuyên ngành nói riêng.

Khi người dân buộc phải sử dụng những thực phẩm chứa chất độc hại, hậu quả có thể lan rộng ra toàn xã hội, gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh lương thực và chất lượng cuộc sống. Tùy theo mức độ vi phạm, việc xử lý là cần thiết và phải dựa trên công cụ pháp lý, nhằm rút ra bài học từ những sai phạm đã xảy ra.

“Do đó, cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành. Trong một số lĩnh vực, cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm, thay vì chỉ chú trọng vào tiền kiểm”, đại biểu Sửu nêu ý kiến.

Theo đạo biểu, có những nội dung không nhất thiết phải tiền kiểm, nhưng hậu kiểm lại vô cùng quan trọng để sàng lọc, loại bỏ những yếu tố gây hại cho sức khỏe và đời sống tinh thần của người dân trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường.

Không có giải pháp nào tốt hơn việc cải tiến công cụ pháp luật, đồng thời quy định rõ ràng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác kiểm soát và quản lý an toàn thực phẩm.

“Cần thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các khâu và tăng cường kiểm tra liên ngành. Không chỉ các cơ quan Nhà nước mà cả các tổ chức, cá nhân trực tiếp đưa sản phẩm ra thị trường cũng cần chịu sự kiểm soát chặt chẽ”, đại biểu kiến nghị.

Còn theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), chính lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất hàng giả, đặc biệt các sản phẩm về sữa, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh đã khiến con người bất chấp tất cả mà chạy theo.

“Phải chăng, thời gian qua, đạo đức doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức khiến cho những đơn vị, tổ chức, cá nhân dù biết chế tài, hiểu được việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng, nhưng vẫn vi phạm”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, nguyên nhân khác, theo bà xuất phát từ nhận thức người tiêu dùng. Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng chưa phân biệt được sản phẩm chính thống, chất lượng cao với sản phẩm kém chất lượng, đặc biệt là đối tượng yếu thế như người già, người dân ở vùng sâu, vùng xa.

“Trong bối cảnh thiếu công cụ để đối soát, họ nghe quảng cáo thổi phồng các công dụng của sản phẩm và dễ dàng tin tưởng. Nêu thực trạng, các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng khi đưa ra thị trường, nhà sản xuất tự công bố chỉ tiêu chất lượng mà không có sự kiểm định trước, việc kiểm soát được thực hiện thông qua công tác hậu kiểm”, bà Nga nói.

Chính điều này đã khiến các doanh nghiệp lách luật, công bố sai các hàm lượng dẫn đến hàng kém chất lượng tràn lan thị trường. Theo bà Nga, để khắc phục tình trạng trên, cần tăng cường khâu hậu kiểm, đặc biệt đối với các sản phẩm mới, được quảng cáo rầm rộ trên thị trường, mạng xã hội.

Đồng thời, phải kiện toàn đội ngũ thực hiện công tác này bởi đội ngũ hiện nay còn mỏng, thậm chí, kinh phí ngân sách triển khai cũng rất ít ỏi. Song song với đó, cần rà soát chế tài bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng mạnh sao cho đủ răn đe để các doanh nghiệp không dám vi phạm. Mặt khác, cần nâng cao đạo đức kinh doanh và đạo đức doanh nghiệp, đưa nội dung này trở thành môn học bắt buộc tại các trường đại học chuyên ngành.

Bài liên quan
Vụ 100 tấn thực phẩm chức năng giả: Chi tiền 'lobby' để giảm lỗi khi thẩm định
Để sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả, Nguyễn Năng Mạnh và Đỗ Mạnh Hoàng đã chi tiền cho Cục An toàn thực phẩm trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp phép.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường dự kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng
VOVLIVE - Tối nay 13/5, tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm, Thủy Nguyên (Hải Phòng), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hải phòng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thành phố (13/5/1955-13/5/2025), đón nhận danh hiệu "Thành phố Anh hùng" và khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2025
Mới nhất