Thủ tướng: Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm môi trường

Ánh Phương/VOV.VN | 12/07/2025, 23:34

VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về môi trường

Bảo vệ môi trường được xác định là một trong ba trụ cột phát triển bền vững. Thời gian qua, hệ thống pháp luật, chính sách bảo vệ môi trường 2025 đã tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ô nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các đô thị lớn như thành phố Hà Nội ô nhiễm. Tại Hà Nội, ô nhiễm không khí nhiều thời điểm đứng top cao nhất thế giới; nhiều dòng sông nội đô ô nhiễm kéo dài nhiều năm.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ của một số tổ chức, cá nhân; thực thi chính sách còn thiếu quyết liệt, thiếu đồng bộ; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh; còn khoảng cách giữa quy định pháp luật và hạ tầng kỹ thuật thực tế.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an chủ động phát hiện, kiến nghị, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xử lý vi phạm môi trường, chấm dứt tình trạng ô nhiễm tại các đô thị, làng nghề, lưu vực sông, khu dân cư và các khu vực sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, xử lý nghiêm vi phạm, tăng cường truyền thông, ứng dụng chuyển đổi số môi trường, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội, hợp tác công – tư và quốc tế để xử lý các vấn đề môi trường liên vùng, liên ngành.

Bộ Công an tăng cường kiểm tra, điều tra và xử lý nghiêm vi phạm môi trường, cập nhật danh sách điểm nóng, cơ sở gây ô nhiễm. Quá trình xử lý cần mở rộng điều tra hành vi thiếu trách nhiệm, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng chức vụ và các đối tượng chống đối, gây mất trật tự.

Bộ Công an hướng dẫn công an cấp xã thực hiện hiệu quả thẩm quyền xử lý vi phạm môi trường; đề xuất sửa luật để tăng tính răn đe; đẩy mạnh công nghệ giám sát môi trường, tích hợp dữ liệu qua VNeID, thiết lập kênh tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng, Zalo an ninh. Từ Quý III/2025, triển khai sử dụng dữ liệu camera giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý hành vi gây ô nhiễm.

Siết trách nhiệm người đứng đầu

Bộ Tư pháp phối hợp các cơ quan đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật môi trường phù hợp thực tế, bảo đảm hiệu lực. Trong năm 2025, hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính phục vụ công tác điều tra, xử lý vi phạm về môi trường.

Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể từ Quý III/2025. Đồng thời, các cơ quan báo chí chủ lực như VTV, VOV, TTXVN tăng cường tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức xã hội.

Thủ tướng đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa vào nội dung đánh giá, kiểm điểm định kỳ công tác chỉ đạo, điều hành, phân loại cán bộ, bình xét thi đua; kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

UBND TP Hà Nội được giao triển khai nhiều giải pháp trọng tâm bảo vệ môi trường với lộ trình rõ ràng. Trong lĩnh vực giao thông đô thị, thành phố sẽ lập và công bố đề án vùng phát thải thấp trong quý III/2025, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.

Hà Nội sẽ bố trí ngân sách, huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống giao thông công cộng đa phương thức, ưu tiên xe buýt điện, tàu điện, trạm sạc năng lượng sạch. Trước 30/9/2025, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

Từ năm 2026, từng bước hạn chế xe máy chạy xăng trong các tuyến vành đai. Trong lĩnh vực xử lý chất thải, thành phố sẽ xây dựng đề án xử lý ô nhiễm sông, rạch nội đô, thu gom nước thải, chất thải sinh hoạt và khắc phục sự cố môi trường.

Đồng thời, thực hiện di dời cơ sở ô nhiễm theo quy hoạch, xử lý nghiêm đô thị không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hà Nội cũng thí điểm không dùng nhựa một lần trong Vành đai 1 và đầu tư các khu công nghiệp tái chế, giảm chôn lấp rác từ quý IV/2025.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bài liên quan
Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2026
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giữ nguyên mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như hiện hành, áp dụng cho đến hết năm 2026.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
VOV phấn đấu là Đài Phát thanh quốc gia mang tầm cỡ quốc tế vào năm 2045
VOVLIVE - Theo Phó Thủ tướng, VOV phấn đấu là Đài Phát thanh Quốc gia mang tầm cỡ quốc tế vào 2045, đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước và 100 năm Ngày thành lập Đài.
Mới nhất