Đầu tư nhà ở xã hội, công nhân mong mỏi, chủ đầu tư ngao ngán

Thiên Lý/VOV-TPHCM | 27/09/2023, 10:14

Để đáp ứng chỗ ở cho công nhân, thời gian qua, Bình Dương đã xây dựng hàng ngàn căn nhà ở xã hội, thế nhưng cung chưa đủ cầu. Mặt khác, việc người lao động tiếp cận mua được căn hộ giá gốc vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ngày 26/9, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cùng trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo “Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng và mua bán nhà ở xã hội.

Cung không đủ cầu!

Hiện nay, Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 1,2 triệu người lao động, trong đó hơn 80% là lao động từ các địa phương khác đến.

Người lao động ngoại tỉnh chủ yếu sống trong các nhà trọ nhỏ, ẩm thấp, điều kiện sống tối thiểu chưa được đảm bảo. Đặc biệt, thời điểm Bình Dương "nóng" ca mắc COVID-19 cũng do không gian nhỏ hẹp ở những nhà trọ dẫn đến lây nhiễm chéo, khó kiểm soát dịch. 

Bà Mai Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Triumph International Việt Nam, ở TP. Dĩ An cho biết, công ty hiện có hơn 3.000 công nhân, trong đó 60% người lao động xa quê. Phải sống trong phòng trọ chật hẹp nhiều năm khiến sức khỏe người lao động bị ảnh hưởng.

“Ở khu ổ chuột ẩm thấp, đâu mang lại sức khỏe cho người lao động. Hai vợ chồng, 2 đứa con ở trong căn phòng trọ 16m2 thì đâu có chỗ sinh hoạt nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau giờ làm việc về nhà ở căn hộ khang trang, thoải mái để nghỉ ngơi thì mới tái tạo được sức khỏe để ngày mai tiếp tục đi làm”, bà Hồng nói.

Để đáp ứng chỗ ở cho công nhân, thời gian qua, Bình Dương đã xây dựng hàng ngàn căn nhà ở xã hội, thế nhưng cung chưa đủ cầu. Mặt khác, việc người lao động tiếp cận mua được căn hộ giá gốc vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Hoạt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Astro Engineering Việt Nam ở TP. Thủ Dầu Một cho biết, chỉ vài công nhân trong tổng số hơn 3.100 lao động trong công ty mua được nhà ở xã hội. Trong giai đoạn tới, mong rằng công nhân sẽ có cơ hội được tiếp cận thông tin, sở hữu căn nhà giá rẻ để ổn định cuộc sống.

Ông Hoạt cũng đề xuất, nên thông tin rộng rãi trên các trang của công đoàn để ai có nhu cầu mua thì đăng ký. Mặt khác, ngành chức năng cần đơn giản hóa các thủ tục để công nhân đỡ vất vả, tốn thời gian giống như đi mua nhà ở thương mại.

“Nếu những người có điều kiện mua căn nhà mấy tỷ tiếp cận mua rất đơn giản, không cần xác nhận quá nhiều bước. Người lao động qua các bước để mua được căn nhà. Vừa phải nghỉ làm, đi lại rất nhiều, xin nhiều giấy tờ xác nhận… rất cần tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận dễ nhất. Hiện nay, đang chuyển đổi số cũng có thể đăng ký trên mạng, qua các đường link để tạo điều kiện sớm nhất cho người lao động tiếp cận”, ông Hoạt cho biết.

Chủ đầu tư không mặn mà

Bình Dương đang dự thảo “Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư khoảng 172.000 căn nhà ở xã hội, đáp ứng cho khoảng 678.300 người, cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao. Trước tiên, từ nay đến năm 2025 sẽ xây trước 42.200 căn, đáp ứng cho khoảng 163.400 người.

Để đạt được mục tiêu trên, Bình Dương đang ưu tiên dành quỹ đất để nhà đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội. Hiện nay, đã có 34 khu vực do các doanh nghiệp Nhà nước quản lý, 17 khu có sẵn quỹ đất của các nhà đầu tư để xây nhà ở xã hội. Bình Dương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị chuyển đổi công năng đất nhà xưởng ở các địa phương phía Nam sau khi di dời để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Mặc dù, tỉnh có những định hướng phát triển nhưng quá trình thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, thủ tục đầu tư nhà ở xã hội rườm rà hơn so với nhà ở thương mại khiến cho chủ đầu tư ngao ngán. Bên cạnh đó, việc bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài. Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội để cho công nhân ở, trong khi trên thực tế nhu cầu của họ là rất lớn.

Ông Lê Như Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BCONS kiến nghị: “Về mặt thủ tục đầu tư thì chúng ta không thể rút ngắn theo quy định của luật pháp, tuy nhiên nên lập ra cơ quan chuyên môn để phụ trách, thúc đẩy đầu tư. Các cơ quan này phải đủ thẩm quyền để kết nối giữa các ban ngành, huyện thị để từ đó làm thủ tục nhanh hơn. Tỉnh cũng nên ban hành danh mục những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đã được xác minh đủ điều kiện mua. Khi họ đăng ký mua bất kỳ dự án nào sẽ không phải xem xét nữa”.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, khi Đề án được ban hành sẽ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, cũng như minh bạch, công khai để người lao động được tiếp cận, mua nhà ở xã hội nhằm tránh tình trạng đầu cơ. Khi lập quy hoạch tỉnh cũng ưu tiên quỹ đất gần đô thị, khu công nghiệp để xây dựng nhà ở xã hội. 

 Bộ Xây dựng đã ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương và sắp tới sẽ bỏ 20% đất làm nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại; gỡ vướng các quy định chồng chéo. Về đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, theo Luật Nhà ở hiện hành dự thảo đã bổ sung đối tượng được mua là hợp tác xã, doanh nghiệp.

Về vấn đề doanh nghiệp kiến nghị, người ở chung nhà với người khác không được mua nhà ở xã hội, ông Võ Văn Ngân cho rằng điều này chưa chính xác.

“Khi Sở Xây dựng xây dựng xác minh sẽ gửi qua Sở Tài nguyên-Môi trường và UBND huyện, thị. Chính quyền xác định trường hợp nào đã đứng tên trên sổ đất thì sẽ không được giải quyết mua nhà ở xã hội. Cơ sở dữ liệu của người lao động đã có trong dự thảo luật. Sắp tới, sẽ có cơ sở dữ liệu trong toàn quốc về người lao động sở hữu nhà ở xã hội và người có nhu cầu, từ đó việc tiếp cận mua nhà sẽ dễ dàng hơn", ông Ngân nói.

Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, Tỉnh ủy đã nhận diện được những khó khăn trong quá trình phát triển nhà ở xã hội. Để kịp thời tháo gỡ, những cái gì thuộc kiến nghị của Trung ương, kiến nghị sửa đổi bổ sung luật thì ghi nhận, đề xuất; vấn đề thuộc phạm vi của tỉnh thì phải hệ thống lại, chi tiết hóa và tháo gỡ từng bước. Như vậy, mới đạt được mục tiêu cao cả là đem lại nơi ở, chỗ an cư cho những người đang thực sự rất cần.

Bài liên quan
Nhiều sai sót trong việc sử dụng nguồn kinh phí đầu tư ở Sở GD-ĐT Sơn La
VOVLIVE - Quá trình sử dụng nguồn kinh phí đầu tư và nguồn kinh phí cải tạo sửa chữa do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và các đơn vị trực thuộc Sở này làm chủ đầu tư, cơ quan Thanh tra phát hiện có những sai sót, với tổng số tiền gần 260 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
Mới nhất