Đảm bảo an toàn thực phẩm tại lễ hội cần sự vào cuộc tích cực của địa phương

Ánh Tuyết/VOV2 | 18/02/2025, 19:30

Mùa xuân ở nước ta có hàng nghìn lễ hội được tổ chức, thu hút rất nhiều người tham gia. An toàn vệ sinh thực phẩm tại lễ hội luôn là vấn đề được quan tâm.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhận định, nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các lễ hội là rất lớn. Để du khách thực sự vui khỏe khi tham gia lễ hội, hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, chính quyền địa phương có trách nhiệm như thế nào? Du khách nên lưu ý điều gì khi sử dụng các dịch vụ ăn uống khi du xuân? Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV2 – Đài Tiếng nói Việt Nam về nội dung này.

PV:Thưa ông, có thể nhận thấy, tại các lễ hội, dịch vụ ăn uống thường mang tính chất thời vụ, tạm bợ, không được đầu tư đầy đủ. Nếu không được kiểm soát tốt, thì đây sẽ là nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với nhiều người?

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long: Tại các lễ hội, trừ một số lễ hội lớn thì có thể có một số các nhà hàng quanh năm phục vụ. Còn hầu hết các lễ hội chỉ mở một lần trong 1 năm, thời gian dài ngắn tùy nơi thì dịch vụ ăn uống ở đấy đúng là hoàn toàn có tính chất tạm thời, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm không được đầy đủ như là tại các nhà hàng hoặc các dịch vụ cung cấp thường xuyên. Cho nên đấy chính là một trong những yếu tố nguy cơ để có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Nếu như khách thập phương đến các lễ hội mà không chú ý, không quan tâm đến vấn đề này thì có thể sẽ ăn phải những thực phẩm không đảm bảo và dẫn đến bị ngộ độc. Thông thường, ngộ độc thực phẩm không xảy ra ngay tại lễ hội mà có thể du khách về nhà rồi mới xuất hiện các triệu chứng. Do đó, để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ này cần phải có sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như ban tổ chức lễ hội.

PV:Công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội năm nay được Cục An toàn thực phẩm triển khai như thế nào, những vấn đề gì được quan tâm, chú trọng, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long: Với vai trò là cơ quan quản lý, năm nào trong quá trình tập huấn phòng, chống ngộ độc thực phẩm thì Cục An toàn thực phẩm cũng hướng dẫn cho các địa phương về các biện pháp nhằm giảm thiểu các nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trước, trong dịp Tết âm lịch cũng như trong mùa lễ hội.

Bao giờ chúng tôi cũng có văn bản hướng dẫn các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các lễ hội. Chúng tôi yêu cầu phải có đại diện ngành y tế như là Chi cục An toàn thực phẩm hoặc các cơ quan y tế địa phương tham gia vào Ban tổ chức lễ hội để các đơn vị y tế có thể nắm bắt được tất cả những khâu chuẩn bị cho lễ hội cũng như tất cả công tác y tế nói chung và trong đó có khâu đảm bảo an toàn thực phẩm nói riêng. Việc quản lý an toàn thực phẩm là một cái hoạt động rất quan trọng của lễ hội. Khi có đại diện ngành y tế tham gia thì sẽ quản lý được các dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội.

Chúng tôi cũng yêu cầu Ban tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương phải bố trí những địa điểm cụ thể đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, không để kinh doanh tự phát. Đồng thời, khi đã bố trí địa điểm cố định thì quan tâm đến các yếu tố: thứ nhất là vệ sinh môi trường, phải có khu vực vệ sinh chứa các chất thải. Thứ hai là phải cung cấp nước sạch để các hàng quán có nước sạch chế biến thực phẩm cũng như vệ sinh dụng cụ. Bởi nếu không có nước sạch thì nguy cơ xảy ra mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất lớn.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, Ban tổ chức lễ hội cũng cần tập huấn cho những người tham gia kinh doanh dịch vụ ăn uống tại lễ hội trước khi lễ hội diễn ra. Đồng thời vừa tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm vừa thực hiện kiểm tr giám sát thường xuyên. Đấy là những chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm đối với các địa phương khi tổ chức lễ hội để đảm bảo phòng ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm.

PV: Như vậy, để công tác quản lý và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các lễ hội mang lại hiệu quả cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương. Ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp này và các biện pháp xử lý vi phạm của các địa phương đã đủ mạnh và quyết liệt?

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long: Những lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương, Đền Hùng, Hội Lim, lễ hội Bà chúa xứ... thì công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất được quan tâm, chú trọng. Các địa phương đã cử các lực lượng thường xuyên hằng ngày đi kiểm tra và chấn chỉnh, xử lý các vi phạm.

Qua giám sát rất nhiều năm thì tôi nhận thấy nhận thức của người kinh doanh thực phẩm tại các lễ hội cũng được nâng cao lên rất nhiều so với trước. Trước đây, có khi thực phẩm, bánh trái được bày bán trên mẹt, trên mâm để sát mặt đất. Nhưng giờ đây, người bán hàng đã trang bị những cái bàn kê cao để bày thực phẩm, hay có tủ kính che đậy, bảo quản thực phẩm. Nhiều hàng quán còn có cả bếp để sẵn đấy để có thể đun nóng thực phẩm. Rõ ràng khi được đun nóng lên, hâm lại thì sẽ giảm nguy cơ ngộ độc rất nhiều. Tôi đánh giá là các dịch vụ đã được cải thiện rất nhiều. Các địa phương đã thực hiện rất tốt vấn đề quản lý cũng như bố trí, sắp xếp dịch vụ ăn uống các lễ hội.

Tất nhiên, mỗi địa phương sẽ có những đặc thù riêng cũng như những sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương. Khi chúng tôi đến kiểm tra, nếu thấy những sản phẩm nào có nguy cơ cao thì chúng tôi yêu cầu các địa phương quan tâm hơn để quản lý từ cơ sở sản xuất, chế biến những sản phẩm.

PV:Tiến sĩ có lời khuyên gì đối với du khách khi tham gia lễ hội nhằm đảm bảo an toàn, vui khỏe và phòng tránh ngộ độc thực phẩm?

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long: Trước tiên, mỗi du khách phải tự bảo vệ bản thân. Khi tham gia các lễ hội hoặc đến các khu du lịch, chúng ta phải lựa chọn thực phẩm an toàn. Đối những thực phẩm ăn ngay thì nên ăn nóng hoặc yêu cầu hâm nóng lại để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm, trừ những loại thực phẩm được bao gói kín và bảo quản trong điều kiện đảm bảo an toàn. Khi mua các loại bánh trái là đặc sản địa phương thì du khách không nên chọn những loại có màu sắc sặc sỡ, đề phòng nguy cơ sản phẩm bị nhuộm bằng phẩm màu mà không được phép dùng trong chế biến thực phẩm. Tốt nhất nên chọn những sản phẩm có bao bì, nhãn mác với đầy đủ thông tin về địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, thành phần…Như vậy, sẽ giúp chúng ta phòng tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi tham gia lễ hội.

PV:Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Hùng Long!

Bài liên quan
Vợ chồng chủ cơ sở sản xuất chả trộn hàn the lĩnh án
Vợ chồng chủ cơ sở thực phẩm dùng hàn the chế biến các loại chả cung cấp ra thị trường TP Đà Nẵng hầu tòa.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Phát biểu ấn tượng của Tổng Bí thư và Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường
VOVLIVE - Thế giới phát triển rồi mà cứ đi theo thì lúc nào cũng lũn cũn đi sau”, “Khó cũng phải làm nhưng không có nghĩa làm liều”, “ăn nhau ở phương pháp làm, đừng nặng nề trình tự thủ tục”… Tổng Bí thư Tô Lâm cùng nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm thẳng thắn khi thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Mới nhất