
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, nội dung công tác nhân sự này vừa được Quốc hội quyết định trong phiên làm việc hôm nay 18/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Sau khi thông qua danh sách, thảo luận tại đoàn, Quốc hội tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026 bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Hai Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 được phê chuẩn bổ nhiệm là ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Chí Dũng.
Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 được 448/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 93.72% tổng số ĐBQH).

4 bộ trưởng được phê chuẩn, gồm: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung.
Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 – 2026 được thông qua với 456/457 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 95.40 % tổng số ĐBQH).
Các chức danh này được kiện toàn sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết về cơ cấu tổ chức và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi), sau khi Chính phủ sắp xếp tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương.
Theo phương án Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ khóa 15 gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ; trong đó thành lập 6 bộ mới trên cơ sở hợp nhất.
Cụ thể, thành lập Bộ Tài chính trên cơ sở hợp nhất Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính; thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT; thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Bộ NT&PTNT và Bộ TN&MT; thành lập Bộ KH&CN trên cơ sở hợp nhất Bộ KH&CN và Bộ TT&TT; thành lập Bộ Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH; thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
Ngoài 6 bộ thành lập mới, Chính phủ đề nghị duy trì 11 bộ ngành hiện nay gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tư pháp, Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi được kiện toàn:
1. Thủ tướng Chính phủ: Phạm Minh Chính
2. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình
3. Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà
4. Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Thành Long
5. Phó Thủ tướng Chính phủ: Hồ Đức Phớc
6. Phó Thủ tướng Chính phủ: Bùi Thanh Sơn
7. Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Chí Dũng
8. Phó Thủ tướng Chính phủ: Mai Văn Chính
9. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Phan Văn Giang
10. Bộ trưởng Bộ Công an: Lương Tam Quang
11. Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phạm Thị Thanh Trà
12. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Bùi Thanh Sơn
13. Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Hải Ninh
14. Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nguyễn Văn Thắng
15. Bộ trưởng Bộ Công Thương: Nguyễn Hồng Diên
16. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Đỗ Đức Duy
17. Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Trần Hồng Minh
18. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Nguyễn Mạnh Hùng
19. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nguyễn Văn Hùng
20. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nguyễn Kim Sơn
21. Bộ trưởng Bộ Y tế: Đào Hồng Lan
22. Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo: Đào Ngọc Dung
23. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Trần Văn Sơn
24. Tổng Thanh tra Chính phủ: Đoàn Hồng Phong
25. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nguyễn Thị Hồng