Đà Nẵng xây dựng hạ tầng, dữ liệu số làm hạt nhân lan tỏa

Vinh Thông/ VOV- Miền Trung | 23/08/2023, 22:53

Thành phố Đà Nẵng xác định đầu tư xây dựng hạ tầng và dữ liệu số là hạt nhân lan toả, thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị.

Thành công đáng ghi nhận của thành phố Đà Nẵng trong quá trình chuyển đổi số là sự vào cuộc của chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị, sự hưởng ứng tích cực từ người dân và doanh nghiệp… Nhiều ứng dụng, tiện ích liên tục được thành phố triển khai, cập nhật tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận sử dụng. Từ đó, tăng sự tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đồng hành với chính quyền trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội…  

Sau hơn một năm triển khai, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sử dụng hoá đơn điện tử thay hoá đơn giấy truyền thống trước đây. Đây là thành công đáng ghi nhận của ngành Thuế thành phố trong quá trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp minh bạch thông tin, hiện đại hoá trong công tác quản lý thuế…

“Từ khi ngành thuế chuyển đổi sang dùng hoá đơn điện tử thay cho hoá đơn giấy, chúng tôi thấy rất thuận lợi, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian. Hộ kinh doanh không cần phải đến cơ quan thuế để mua hoá đơn. Bây giờ có thể chủ động xuất hoá đơn điện tử bất cứ lúc nào” Ông Nguyễn Hữu Hoàng, hộ kinh doanh ở quận Hải Châu cho hay.

Một dấu ấn quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh là việc đưa Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) vào vận hành. Sau thời gian thí điểm triển khai (theo dạng mini IOC), Trung tâm chuyên ngành camera giao thông (OC giao thông), camera an ninh, Trung tâm IOC giai đoạn 1 hoạt động theo mô hình được trang bị công cụ tổng hợp, phân tích tập trung tại IOC cấp thành phố; kế thừa, sử dụng dữ liệu số hiện có của các ngành, các trung tâm điều hành (OC) quận/huyện và OC chuyên ngành được phân cấp, ủy quyền để sử dụng chung với IOC thành phố; không đầu tư thêm, trùng lặp.

Trung tâm  IOC thành phố đóng vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận/huyện, OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng…; phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ chính quyền đô thị.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Giám sát điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng cho biết: Trung tâm IOC đồng thời phát hiện, cảnh báo sớm các vấn đề, sự kiện bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, hỗ trợ làm Trung tâm chỉ huy tập trung của thành phố trong xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh …

“Đặc biệt IOC kịp thời chia sẻ dữ liệu cho người dân, du khách để có những thông tin kịp thời như khi có thiên tai, bão lũ, các tình huống kẹt xe, mưa ngập diện rộng trên địa bàn thành phố… Qua đó người dân, du khách có biện pháp kịp thời ứng phó”, ông Quốc nói.

Trung tâm IOC hoạt động dựa trên dữ liệu, tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực để giám sát, phân tích, hiển thị và hỗ trợ ra quyết định, chỉ đạo điều hành.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc đưa vào hoạt động Trung tâm IOC thể hiện quyết tâm cao nhất của lãnh đạo thành phố trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Đây là tiền đề, động lực để Đà Nẵng tiếp tục triển khai toàn diện các giải pháp xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

 “Song so với việc triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực, thành phố Đà Nẵng triển khai mô hình chính quyền đô thị, trong đó cần giám sát việc thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp, uỷ quyền. Do vậy thành phố Đà Nẵng rất cần có Trung tâm giám sát, điều hành và đặt ra nhiệm vụ triển khai từ năm 2020. Vẫn còn rất nhiều việc phải nỗ lực, phải làm, phải phấn đấu ở phía trước để có thể từng bước thay đổi trên hành trình xây dựng thành phố thông minh của thành phố Đà Nẵng, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị”. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Thủ tướng: Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Tiếp tục lan toả, tạo động lực cho sự phát triển nền KHCN nước nhà
Thủ tướng mong muốn, tinh thần say mê nghiên cứu, dấn thân vì KHCN của các thế hệ đi trước tiếp tục được lan tỏa, phát huy mạnh mẽ trong thế hệ trẻ, nhất là đội ngũ nhà khoa học hôm nay và tương lai.
Mới nhất