Các dự thảo sắc lệnh cho rằng Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc trong việc mở rộng năng lượng hạt nhân, đồng thời kêu gọi “cải tổ toàn diện” các quy định an toàn liên bang để việc xây dựng nhà máy mới dễ dàng hơn. Một trong những biện pháp được đề xuất là giao cho Bộ Quốc phòng vai trò chủ chốt trong việc đặt hàng và lắp đặt các lò phản ứng tại các căn cứ quân sự.
Mục tiêu được nêu là tăng gấp bốn lần công suất điện hạt nhân quốc gia, từ gần 100 gigawatt hiện nay lên 400 gigawatt vào năm 2050, đủ để cung cấp điện cho khoảng 400 triệu hộ gia đình.

Bản dự thảo có tiêu đề "Hướng tới thời kỳ phục hưng năng lượng hạt nhân Mỹ" viết: “Kể từ năm 2017, 87% số lò phản ứng mới được xây dựng trên thế giới dựa trên thiết kế của Nga và Trung Quốc. Xu hướng này không thể tiếp diễn. Cần có hành động nhanh chóng và quyết đoán để khởi động lại ngành năng lượng hạt nhân của nước Mỹ".
Các sắc lệnh được đánh dấu là “chưa đưa ra quyết định” và “đang trong quá trình tham vấn”, chưa rõ liệu chính quyền có chính thức ban hành văn bản nào hay không. Danh tính người soạn thảo các sắc lệnh cũng chưa được tiết lộ, và Nhà Trắng từ chối bình luận về khả năng ban hành.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump tuyên bố "tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia”, viện dẫn nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là đối với các trung tâm dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo. Dù phần lớn chính sách năng lượng của ông tập trung vào than, dầu mỏ và khí đốt, chính quyền vẫn bày tỏ sự ủng hộ điện hạt nhân.
Trong bối cảnh các mục tiêu khí hậu trở nên cấp thiết, điện hạt nhân đang nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng. Một số đảng viên Dân chủ ủng hộ vì năng lượng hạt nhân không phát thải khí nhà kính, trong khi đảng Cộng hòa coi đây là biện pháp tăng cường an ninh năng lượng.
Các tập đoàn công nghệ như Google, Microsoft và Amazon cũng bày tỏ quan tâm đến năng lượng hạt nhân để vận hành các trung tâm dữ liệu 24/7 – điều mà năng lượng tái tạo như gió và mặt trời chưa đáp ứng được.
Tuy nhiên, việc xây dựng lò phản ứng mới tại Mỹ đang đối mặt với nhiều trở ngại. Kể từ năm 1996, chỉ có ba lò mới đi vào hoạt động. Các công ty tiện ích lo ngại chi phí quá cao, như trường hợp nhà máy Vogtle ở bang Georgia tiêu tốn tới 35 tỷ USD, gấp đôi dự toán ban đầu và chậm tiến độ bảy năm.
Hơn một chục công ty hiện đang phát triển thế hệ lò phản ứng nhỏ hơn, với kỳ vọng chi phí đầu tư thấp hơn và dễ triển khai hàng loạt để giảm giá thành. Tuy nhiên, chưa lò nào trong số này được xây dựng.
Một dự thảo sắc lệnh đổ lỗi cho tốc độ chậm trễ của Ủy ban Quy định Hạt nhân (NRC) - cơ quan liên bang độc lập chịu trách nhiệm phê duyệt thiết kế và an toàn lò phản ứng. Dự thảo yêu cầu NRC cải cách toàn diện và rút ngắn thời gian phê duyệt xuống còn 18 tháng. Cũng theo dự thảo, cơ quan này nên “xem xét lại các giới hạn phơi nhiễm phóng xạ”, cho rằng các quy định hiện nay quá nghiêm ngặt so với mức cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
Hiện chưa rõ tổng thống có đủ thẩm quyền buộc NRC, được lập ra bởi Quốc hội để hoạt động độc lập - phải thay đổi như vậy hay không. Việc ông Trump muốn gia tăng ảnh hưởng lên các cơ quan độc lập có thể dẫn tới tranh chấp pháp lý.
Các sắc lệnh còn đề xuất những bước đi khác, như sử dụng ngân sách quân sự để tài trợ các lò phản ứng thế hệ mới. Một phương án đang được xem xét là công nhận các trung tâm dữ liệu AI là “cơ sở hạ tầng phòng thủ thiết yếu”, cho phép xây lò tại các khu vực thuộc Bộ Năng lượng, từ đó né được quy trình đánh giá của NRC.
Một sắc lệnh khác kêu gọi Bộ trưởng Năng lượng xây dựng kế hoạch khôi phục chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân trong nước, bao gồm uranium làm giàu – hiện phần lớn được nhập từ Nga.