Cuộc đua vào lớp 10 chuyên ở Hà Nội: Tiếng Anh có tỷ lệ chọi 1/30

Nguyễn Trang - Diệp Thảo/VOV.VN | 01/06/2023, 22:47

Theo công bố của trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, năm nay toàn trường có 6.113 hồ sơ đăng ký trên tổng 7 môn chuyên, trong khi chỉ tiêu là 315. Tỉ lệ chọi tăng vọt, với mức cao nhất là 1/29,3 (môn tiếng Anh).

Dưới cái nóng gần 40 độ, hàng trăm phụ huynh đội nắng, đứng chờ con ngoài phòng thi vào lớp 10 THPT chuyên ĐH Sư phạm. Sự lo lắng, hồi hộp là điều dễ thấy trên từng khuôn mặt, ánh nhìn.

Theo công bố của trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, năm nay toàn trường có 6.113 hồ sơ đăng ký trên tổng 7 môn chuyên, trong khi chỉ tiêu là 315. Tỉ lệ chọi tăng vọt, với mức cao nhất là 1/29,3 (môn tiếng Anh).

Trước đó, trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm cũng đã công bố 34 học sinh đầu tiên trúng tuyển vào trường năm học 2023-2024 bằng hình thức tuyển thẳng. Số học sinh được tuyển thẳng trên thuộc khoảng 10% chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2023 – 2024 của Trường THPT chuyên Sư phạm.

Số lượng chỉ tiêu ít trong khi lượng hồ sơ tăng cao càng khiến cuộc đua vào lớp 10 năm nay “nóng” hơn nữa.

Đợi con ngoài phòng thi, chị Nguyễn Thị Quyên (quê Thanh Hóa, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) thừa nhận, con không quá run, nhưng mẹ còn hồi hộp, lo lắng hơn con. Gần ngày thi, chị Quyên tạm gác lại mọi công việc để dành trọn thời gian chăm sóc tốt nhất cho con. Nhà cách trường hơn 20km, mẹ con chị Quyên xuất phát đi thi từ tờ mờ sáng.

Kỳ thi vào lớp 10 chuyên vốn đã áp lực, nhưng với gia đình chị Quyên lại càng áp lực hơn nữa khi con chị không có cơ hội đăng ký vào lớp 10 THPT công lập: "Gia đình tôi ở Thanh Hóa lên Hà Nội sinh sống chưa có hộ khẩu, thế nên con không thể đăng ký vào trường THPT công lập. Nếu không đỗ trường THPT chuyên ĐH Sư phạm và Chuyên KHXH&NV con sẽ phải học trường ngoài công lập. Tuy nhiên, nếu để học ở trường dân lập chất lượng cao thì mức học phí cũng rất đắt đỏ. Bố mẹ và thầy cô cũng rất thương nhưng cũng chỉ biết động viên con.

Trước kỳ thi, con hoàn toàn tự học, không học thêm, một phần vì con thấy việc tự học hiệu quả hơn, một phần có lẽ cũng vì lo bố mẹ tốn kém. Thấy con học ngày học đêm vất vả, căng thẳng, bố mẹ cũng lo lắng mất ăn mất ngủ theo”, chị Quyên chia sẻ.

Phụ huynh này cũng cho rằng, tình trạng quá tải trường lớp ở khu vực quận Hoàng Mai đang khiến không ít phụ huynh ngoại tỉnh đến lao động, sinh sống như chị gặp khó khăn khi xin học cho con.

Đứng chờ con làm bài thi, chị Phạm Thị Hường áo ướt đẫm mồ hôi vì nóng nực, tay xách lỉnh kỉnh đủ thứ đồ, từ thức ăn, nước uống đến quần áo đã chuẩn bị sẵn cho con, nhưng vẫn mắt vẫn không quên dõi theo vào phía phòng thi, nơi con trai đang làm bài.

“Đây là cuộc thi quan trọng, mang tính bước ngoặt trong cuộc đời con nên trong suốt quá trình ôn luyện, bố mẹ đã luôn đồng hành với con. Ngay từ khi con lên lớp 7, gia đình đã định hướng cho con thi vào trường chuyên với mong muốn có có được một môi trường giáo dục tốt, phát huy được hết thế mạnh của bản thân. Song tôi cũng hiểu rằng, cuộc đua vào các trường THPT chuyên sẽ rất cam go, khốc liệt, khi thí sinh dự thi đều có học lực xuất sắc. Con đi thi bố mẹ cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ, thế nhưng vẫn cố giấu tâm trạng đó, động viên con yên tâm làm bài, không tạo áp lực cho con”, chị Hường chia sẻ.

Vốn là giáo viên, nhưng hôm nay, chị Quý Thị Xuân (Hoài Đức, Hà Nội) lại đến trường thi với tâm thế là một phụ huynh đưa con đi thi. Những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, khuôn mặt ửng đỏ vì nắng, chị Xuân cũng không giấu được sự bồn chồn, lo lắng giống bao người mẹ khác.

Vì các môn thi kéo dài cả ngày nên chị Xuân đã chuẩn bị đủ thức ăn, nước uống cho con. Lật giở gói xôi đỗ trong túi xách, chị Xuân chia sẻ: “Tôi sợ con ăn đồ ngoài hàng không đảm bảo nên đã dậy sớm để nấu ăn cho con. Thực đơn cho con gồm có thịt gà, đậu phụ luộc, xôi đỗ, thịt băm, cơm trắng và hoa quả tráng miệng. Hôm nay cả bố và mẹ đều đưa con đi thi, mong con bình tĩnh để thực hiện tốt bài thi của mình và không quá áp lực về chuyện đỗ trượt”.

Là một giáo viên, đồng thời cũng là một phụ huynh, chị Xuân cảm nhận rõ hơn ai hết sức nóng, sự cam go của kỳ thi tuyển sinh đầu cấp THPT tại Hà Nội. Theo chị Xuân, hiện nay số lượng trường THPT công lập mới chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu của học sinh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng năm cũng chỉ có một tỷ lệ tương ứng như vậy thí sinh có cơ hội vào trường THPT công lập, số còn lại sẽ phải học tại các trường ngoài công lập hoặc giáo dục thường xuyên. Với các trường THPT chuyên, sự cạnh tranh lại càng khốc liệt hơn nữa, khi đây là cuộc đua của những thí sinh vốn có học lực giỏi. Chỉ tiêu vào các trường có hạn, trong khi số hồ sơ nộp vào rất cao. Đơn cử như lớp chuyên Anh mà con chị thi tại THPT chuyên Sư phạm cũng có tỷ lệ chọi đến 1/29,3 và tại THPT chuyên ĐH Ngoại ngữ là 1/4,84.

“Trường chuyên chỉ tiêu ít, nhiều phụ huynh mong con có thể đỗ vào hệ cận chuyên, chấp nhận học phí cao hơn gấp nhiều lần, có nơi lên đến 11 lần so với hệ chuyên thông thường”, chị Xuân nói.

Phụ huynh này cho rằng, để giảm tải áp lực trong các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, thành phố cần xem xét, nghiên cứu xây dựng thêm các trường THPT công lập, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, đặc biệt tại các quận, huyện có mật độ tăng dân số cơ học cao, tập trung nhiều khu đô thị, chung cư, hay khu công nghiệp.

Không phải phụ huynh, nhưng hôm nay, cô Lâm Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Uy Nỗ (Đông Anh) trực tiếp dẫn đoàn thí sinh của trường tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại THPT chuyên Sư phạm. Đội nắng đứng đợi học sinh ngoài phòng thi, cô giáo chủ nhiệm cũng thấp thỏm, hồi hộp như bao bậc cha mẹ khác.

 “Nhiều năm nay tôi đều dẫn các em đi thi chuyên để phụ huynh đỡ vất vả. Mỗi năm tôi đều đứng ở sân trường này đợi các con, nhưng chưa khi nào hết hồi hộp. Trước khi vào phòng thi, tôi vẫn dặn dò các con cách làm bài, giữ bình tĩnh, tránh lo lắng căng thẳng quá mức. Thế nhưng đứng đợi các con cô giáo còn hồi hộp hơn. Dẫn các con đi thi không chỉ lo cho các con về mặt bài vở, mà còn rất lo ngại thời tiết nắng nóng, các con sẽ mệt mỏi. Khi thấy học sinh tươi tắn bước ra khỏi phòng thi, lúc ấy cô giáo cũng mới thở phào nhẹ nhõm.

Đây là một kỳ thi quan trọng và có không ít áp lực đối với cả học sinh, phụ huynh và giáo viên. Trong quá trình ôn luyện, chúng tôi đã luôn chia sẻ và đồng hành cùng các con để vượt qua khó khăn. Trên cương vị là một giáo viên, tôi cũng mong các con sẽ hoàn thành tốt bài thi và vào được trường như mơ ước”, cô Hằng chia sẻ./.

Bài liên quan
Chỉ tiêu vào lớp 10 công lập Hà Nội tăng, dự báo tỷ lệ chọi biến động mạnh
Trước khi học sinh lớp 9 đăng ký vào các trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh các trường công lập, tư thục, trường chuyên giúp thí sinh tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất