Lễ nhập trạch (lễ cúng nhà mới) là một trong những nghi lễ rất được người Việt Nam coi trọng. Theo quan niệm dân gian, lễ nhập trạch là nghi thức thông báo, xin phép các vị thần Thổ công, Thổ địa và gia tiên rằng gia đình đã xây dựng xong ngôi nhà mới và sẽ chuyển đến sinh sống. Nghi lễ này mang ý nghĩa cầu mong sự phù hộ từ thần linh, giúp gia đình có cuộc sống an khang, thịnh vượng.
Cúng nhập trạch cần chuẩn bị gì?
Trước khi dọn vào nhà mới, dù là nhà mới xây dựng hay mua lại từ người khác, thậm chí là nhà thuê, các gia đình thường thực hiện lễ nhập trạch để báo cáo với các vị thần về việc mình sẽ chuyển đến cư trú. Gia chủ sẽ chọn ngày lành tháng tốt, hợp với tuổi mình để tiến hành nghi lễ nhập trạch.
Sau khi đã chọn được ngày giờ làm lễ nhập trạch, gia chủ chuẩn bị đồ cúng gồm mâm cơm, mâm ngũ quả, hương hoa, vàng mã để thực hiện nghi thức, trong đó:
- Mâm cơm cúng nhập trạch thường có xôi, gà luộc, bộ tam sinh (1 miếng thịt luộc, 1 con tôm luộc, 1 quả trứng vịt luộc) cùng các món ăn khác theo nhu cầu của gia chủ.
- Mâm ngũ quả bao gồm 5 loại hoa quả tươi, rửa sạch sẽ, khô ráo và bày biện đẹp mắt.
- Hoa tươi nên chọn theo mùa. Các loài hoa có ý nghĩa may mắn như hoa cúc, hoa hồng, hoa sen... thường được chọn để bày biện trong lễ cúng nhập trạch.
- Hương, đèn, nến.
- 3 hũ đựng muối, gạo, nước; 1 đĩa muối gạo, 1 cặp đèn cầy, 3 miếng trầu cau đã têm.
- 3 ly tra, 3 điếu thuốc, 3 ly rượu cúng.
- Vàng mã.
Hướng dẫn cúng nhập trạch
Sau đây là nghi lễ cúng nhập trạch được nhiều người áp dụng:
- Đốt lò than trước cửa nhà.
- Bày biện mâm lễ ở giữa nhà hoặc trên bàn thờ.
- Gia chủ bước qua lò than đầu tiên, tay cầm bát hương và bài vị gia tiên.
- Lần lượt các thành viên trong gia đình cũng bước qua lò than và cầm những vật dụng may mắn như tiền hoa vào nhà (tránh đi tay không).
- Khai thông khí: Gia chủ bật hết đèn điện trong nhà, mở các cửa sổ, cửa phòng trong nhà để lưu thông không khí.
- Thắp hương và đọc văn khấn, khấn vái thần linh, gia tiên để xin phép rước bàn thờ về nhà mới.
- Nấu nước pha tra để khai hoả, tạo sinh khí cho nhà mới.
- Đốt vàng mã và dùng rượu cúng rưới lên tro để hoàn tất nghi lễ.
- Đặt hũ gạo muối nước lên bàn thờ.
- Hạ lễ và thụ lộc, gia chủ nên chia lộc cho cả người thân, hàng xóm xung quanh.
Những lưu ý khi làm lễ nhập trạch
Dù chỉ làm lễ nhập trạch lấy ngày nhưng gia chủ cũng nên ngủ lại một đêm đầu tiên ở nhà mới để lễ nhập trạch được trọn vẹn nhất. Những ngày đầu lên nhà mới, mọi người thường thắp đèn sáng vào buổi tối, nấu nướng, thắp hương (thường đủ 100 ngày), sinh hoạt trong nhà mới để tạo sinh khí.
Mặc dù hiện nay phần lớn các gia đình đã chuyển sang dùng bếp từ hoặc bếp điện nhưng trong những ngày đầu tiên nhập trạch, nhiều người dùng bếp gas mini hoặc bếp than đun nước vì muốn tạo ngọn lửa sưởi ấm gian bếp.
Do bận rộn và phải lo nhiều việc, mọi người thường dễ mệt mỏi, cáu gắt, tuy nhiên cần cố gắng sắp xếp công việc chu đáo, đầy đủ, tránh lớn tiếng cãi cọ nhau.