Cung không đủ cầu, giá vé máy bay Tết Nguyên đán liên tục “nhảy múa”

Phi Long/VOV.VN | 14/01/2024, 11:50

Các hãng hàng không đã bổ sung thêm 472 chuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM tới các sân bay địa phương và ngược lại trên các chặng có tỷ lệ đặt chỗ cao, nhưng vé máy bay Tết vẫn hết nhanh. Có nhiều lý do, nhiều người vẫn chưa thể mua được vé máy bay Tết.

Tăng thêm 472 chuyến bay Tết, nhiều người vẫn không mua được vé

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 12/1, báo cáo từ các hãng hàng không Việt Nam cho thấy, tình hình mở bán vé, đặt chỗ phục vụ tết Giáp Thìn năm 2024 trong giai đoạn từ 24/1 -25/2 tiếp tục tăng.

Cụ thể, tại chiều đi từ TP.HCM đi các sân bay địa phương, một số chặng hiện đang có tỷ lệ đặt chỗ (booking) tăng dần và cao. Các chặng bao gồm: Hà Nội - Pleiku (88,7%), Hà Nội - Vinh (100%), TP.HCM - Buôn Ma Thuột (90,7%), TP.HCM - Đà Nẵng (91,3%), TP.HCM - Hải Phòng (95%), TP.HCM - Huế (92,6%), TP.HCM - Pleiku (91,4%), TP.HCM - Tuy Hòa (88,05%), TP.HCM - Thanh Hóa (99,6%), TP.HCM - Quy Nhơn (84,8%), TP.HCM - Chu lai (99,7%), TP.HCM -Quảng Bình (86,4%), TP.HCM - Quảng Ninh (98,8%), TP.HCM - Vinh (98,8%).

Tỷ lệ đặt chỗ của các chặng này chủ yếu rơi vào các ngày trước tết Âm lịch (0-1/2-11/2, tức 22 tháng Chạp tới 2 tháng Giêng Âm lịch).

Đáng chú ý, sau khi Cảng hàng không Điện Biên chính thức được khai thác, tỷ lệ đặt chỗ tới Điện Biên cũng cao với chặng Hà Nội - Điện Biên (94,4%), TP.HCM-Điện Biên (80%).

Tại chiều về từ các sân bay địa phương về TP.HCM, các chặng đang có tỉ lệ tỷ lệ đặt chỗ tăng dần và cao rơi vào các ngày sau Tết Âm lịch (13/2-19/2, tức mùng 4 tháng Giêng tới 10 tháng Giêng Âm lịch).

Điển hình như các chặng từ Buôn Ma Thuột - TP.HCM (88,8%), Cà Mau-TP.HCM (100%), Nha Trang - Hà Nội (99,5%), Đà Nẵng - TP.HCM (96,9%), Điện Biên - Hà Nội (99,5%), Hải Phòng - TP.HCM (99,5%), Huế - TP.HCM (94,6%), Phú Quốc - Hà Nội (100,08%), Phú Quốc - TP.HCM (91,7%), Pleiku - Hà Nội (101,6%), Pleiku - TP.HCM (95,6%), Tuy Hòa - TP.HCM (88,3%), Thanh Hóa - TP.HCM (101,6%), Quy Nhơn - TP.HCM (94,5%), Chu Lai - TP.HCM (112,7%), Đồng Hới - TP.HCM (92,6%), Vinh - Hà Nội (86,4%), Vinh - TP.HCM (99,2%).

Tại các đường bay trục như TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Hà Nội, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM, tỉ lệ lấp đầy trong giai đoạn từ 3/2-18/2 (tức 24 tháng Chạp tới mùng 9 tháng Giêng Âm lịch) đang tăng dần. Tuy nhiên, lượng vé vẫn dồi dào, tỉ lệ đặt chỗ đạt trung bình 45%, tăng 5-7% so với tuần trước.

Các hãng hàng không Việt Nam cũng đã bổ sung thêm các chuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM tới các sân bay địa phương và ngược lại trên các chặng đang có tỉ lệ đặt chỗ cao sau khi được phân bổ thêm các Slot tại CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Theo đó, sẽ tăng thêm 472 chuyến, tương ứng ước tính gần 92.155 ghế. Tuy nhiên, lượng khách đặt chỗ vẫn đang tăng dần nên tỉ lệ đặt chỗ vẫn đang ở mức cao tại một số ngày sát Tết Âm lịch và chiều ngược sau Tết.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Cục sẽ tiếp tục theo dõi và đề nghị các hãng cân đối và bổ sung thêm tải trên các chặng bay trong giai đoạn tết Âm lịch 2024.

Trước đó, theo báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam, trong giai đoạn từ 24/1-25/2, tổng số chuyến bay dự kiến đạt xấp xỉ 33,8 nghìn chuyến, tải cung ứng dự kiến đạt 7,2 triệu ghế.

Giá vé máy bay liên tục “nhảy múa”

Việc giá vé máy bay tăng cao và có ít lựa chọn đã và đang khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng. Không ít người đã bắt đầu có sự đắn đo cho hành trình về quê ăn Tết. Anh Trần Duy Cường (Bình Lục, Hà Nam) cho biết, gia đình anh đã lên kế hoạch về quê ăn Tết với ông bà song giá vé máy bay quá cao đang là một trở ngại lớn.

“Nhà tôi có 5 người, nếu đặt vé máy bay Tết phải mất hơn 40 triệu đồng. Nếu như mọi năm còn cố gắng được nhưng năm nay kinh tế khó khăn, đó là cả một khoản tiền lớn”, anh Cường cho biết.

Đến nay anh Cường vẫn chưa dám đặt vì giá vé đang quá cao mà quyết định chờ đến sát Tết để quyết định có đặt vé máy bay hay không.

“Đợi sát Tết nếu vé giảm hoặc có thêm vé giá rẻ thì chúng tôi sẽ đặt, nếu không sẽ chuyển sang phương tiện khác hoặc thay đổi kế hoạch vào Nam ăn Tết. Chứ vé máy bay cao như hiện tại thật sự gia đình tôi không kham nổi. Vé vẫn quá cao thì phải tính đến cả phương án đi xe ô tô về quê trước mấy hôm, hơi vất vả nhưng còn chịu được”, anh Cường than thở.

Cũng như anh Cường, chị Lê Thanh Xuân (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, sau khi các hãng thông báo mở bán vé tăng cường, chị đã tìm được chuyến bay về Hà Nội ngày 6/2 vào lúc 00h 01 phút của Vietnam Airlines với giá 2,8 triệu đồng/chiều, gần tương đương với giá vé khứ hồi ngày thường. Tuy nhiên, do cơ quan có việc đột xuất nên chị chưa chốt vé, sau 2 ngày đi công tác về chị xem lại, mức giá đã tăng vọt lên hơn 4 triệu đồng/chiều và chỉ còn khoảng 5 ghế. Trong khi đó, giá vé hạng thương giá hơn 14 triệu đồng/chiều dù các chuyến bay đều khởi hành vào tối muộn.

“Tôi thật sự bất ngờ với giá vé máy bay Tết năm nay, giá chỉ có lên thôi không xuống, giá lên theo từng giờ một chứ không phải theo ngày nữa. Nếu không mua được vé máy bay ra Bắc thì đành ăn tết trong Nam, ra Giêng xin nghỉ phép về quê thăm bố mẹ cho đỡ tiền chứ giá cao thế này, chiều ra chiều vào mất gần 2 tháng lương, mua được vé máy bay về Tết là hết tiền xài luôn”, chị Xuân phân bua.

Các chuyên gia cho rằng, việc giá vé máy bay “nhảy múa” vào mỗi dịp lễ, Tết, ngoài nguyên nhân do nhu cầu đi lại tăng cao của người dân thì không loại trừ khả năng có tình trạng thổi giá vé hoặc tạo con “sốt giả” để tăng giá vé. Bởi theo quy luật, cho dù nhu cầu tăng cao nhưng một khi các hãng bay có kế hoạch tăng chuyến, tăng ghế thì đúng ra giá vé máy bay phải giảm. Đằng này giá vé vẫn cao chót vót, thậm chí còn ngày càng khan hiếm là điều bất thường.

Chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho rằng, việc giá vé máy bay nội địa tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường trong dịp cao điểm Tết do các hãng phải tính toán cân đối đường bay. Vì vận tải nói chung, vận tải hàng không nói riêng dịp Tết chỉ đầy một chiều, chiều còn lại cơ bản là ghế trống. Cùng với đó, các hãng hàng không đang thực hiện bán vé theo cơ chế thị trường và tuân thủ quy định, đồng thời có sự cạnh tranh về giá vé giữa các hãng bay, đường bay.

"Nếu giá vé máy bay cao quá, chắc chắn người dân sẽ hạn chế đi du lịch, còn người về thăm thân cũng sẽ phải tính toán, thay đổi kế hoạch. Ngược lại, nếu cứ bán vé giá cao, các hãng hàng không sẽ bị ế. Chắc chắn họ sẽ có sự tính toán, điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của thị trường”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Cục Hàng không sẽ tiếp tục theo dõi và đề nghị các hãng tăng chuyến

Cục Hàng không Việt Nam cho biết sau khi được phân bổ thêm slot (giờ cất, hạ cánh) tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các hãng hàng không đã tăng thêm 472 chuyến bay tương ứng 92.155 ghế nhằm đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển giữa Hà Nội và TP.HCM tới các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Tuy nhiên, lượng khách đặt chỗ vẫn tiếp tục tăng nên tỉ lệ đặt chỗ đang ở mức cao trong một số ngày sát tết và chiều ngược lại sau Tết Nguyên đán. Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và đề nghị các hãng hàng không cân đối, tăng chuyến trên các hành trình hành khách có nhu cầu di chuyển cao.

Lý giải về việc giá vé máy bay quá cao, đại diện Bộ GTVT cho rằng giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện nay đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá từ thấp đến cao tùy tình hình thị trường (cung-cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé, chất lượng dịch vụ...

"Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đều thực hiện kê khai giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều mức giá đáp ứng nhu cầu của hành khách và đảm bảo trong khung giá quy định", đại diện Bộ GTVT cho hay.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo các cảng hàng không, hãng hàng không thực hiện đúng quy định về kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cảng hàng không chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ nhu cầu bay đêm trên các đường bay nội địa theo kế hoạch của các hãng hàng không.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những lợi thế và tiềm năng của Đồng Tháp
Tổng Bí thư nêu rõ những lợi thế của Đồng Tháp để phát triển như tiềm năng nông nghiệp to lớn, phát triển ngành du lịch, đặc biệt là lợi thế vị trí địa lý và khả năng kết nối giao thông khi nằm tiếp giáp với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Mới nhất