
Trước 15/7 phải hoàn thành thay biển chỉ dẫn mới
Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, nhiều địa phương đang tiến hành tháo dỡ biển hiệu, bảng chỉ dẫn cũ và thay thế bằng tên gọi mới, đúng theo quy định. Việc này nhằm tránh nhầm lẫn về địa giới, đồng thời giúp thống nhất quản lý hành chính.

Việc tiến hành rà soát, tháo dỡ các biển báo không còn phù hợp sau khi sáp nhập tỉnh cần sớm thực hiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây nhầm lẫn cho người tham gia giao thông.
Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Xây dựng) vừa có văn bản yêu cầu các Khu Quản lý Đường bộ, Sở Xây dựng trên cả nước và nhà đầu tư dự án giao thông thực hiện cập nhật, điều chỉnh thông tin biển chỉ dẫn đường bộ phù hợp với đơn vị hành chính hai cấp sau sắp xếp, sáp nhập.
“Các đơn vị quản lý đường bộ rà soát lại tất cả biển báo giao thông để phù hợp với việc sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành phố. Trước mắt phải phối hợp ngay việc tổ chức điều chỉnh thông tin, vị trí các biển chỉ dẫn địa giới hành chính giữa các khu vực tỉnh thành (biển báo I.419) cho phù hợp với các đơn vị sau sắp xếp. Nhiệm vụ này phải hoàn thành trước 15/7”, lãnh đạo Cục Đường bộ yêu cầu.
Các Khu Quản lý đường bộ và các nhà đầu tư dự án đường bộ làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương để lập biên bản thống nhất về địa danh chỉ dẫn mới trên các biển báo.
Sau đó, thay địa danh trên biển báo hiện đang chỉ dẫn hướng đi đến huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà hiện nay không còn do bỏ chính quyền cấp huyện, hoặc do thay đổi tên đơn vị hành chính ở địa phương do sáp nhập cấp tỉnh, xã. Đồng thời kiểm tra để điều chỉnh chỉ dẫn về khoảng cách phù hợp với địa danh chỉ dẫn mới.

Thêm vào đó, các đơn vị chức năng cũng cần rà soát các báo hiệu đường bộ khác có liên quan đến thay đổi địa danh hành chính, chỉ dẫn địa danh đến và khoảng cách (ví dụ các thông tin khoảng cách ghi trên cột km đến địa danh cụ thể) cần điều chỉnh và đề xuất lộ trình thực hiện.
Trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ trên, đơn vị quản lý đường bộ lập phương án tổng thể cho các tuyến, trong đó có nội dung cụ thể về lộ trình, nguồn kinh phí, trách nhiệm thực hiện sau đó báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh để sớm triển khai thực hiện. Thời hạn báo cáo trước ngày 31/7.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Tuấn Anh (Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ 1.3, Khu Quản lý đường bộ 1) cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ các biển báo giao thông không phù hợp trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, không chỉ giúp người dân tham gia giao thông dễ dàng hơn, mà còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra do biển báo không rõ ràng, không phù hợp.
"Chúng tôi đang rà soát các biển chỉ dẫn trên tuyến, trên giá long môn. Trong một vài ngày tới, sẽ hoàn thành việc điều chỉnh biển báo chỉ dẫn phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, phục vụ người dân tốt hơn.

Hiện ngoài biển chỉ dẫn địa giới đã được thay đổi, biển chỉ dẫn giao thông cũng đã được các đơn vị quản lý trên tuyến lên danh sách các biển báo cần tháo dỡ, bao gồm vị trí, loại biển báo không còn phù hợp. Sau khi tháo dỡ, đơn vị sẽ tiến hành lắp đặt các biển báo mới phù hợp tuân thủ theo quy định và tiêu chuẩn hiện hành…”, ông Vũ Tuấn Anh cho biết.
Cần sự thống nhất, tiết kiệm và đồng bộ
Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, việc điều chỉnh hệ thống biển báo giao thông liên quan đến thay đổi địa danh hành chính là cần thiết nhằm đảm bảo tính chính xác, thống nhất trong quản lý và điều hành giao thông, đồng thời tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông.
“Việc cập nhật các thông tin mới về địa danh trên hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, bao gồm biển báo hiệu có nội dung về địa giới hành chính, biển chỉ dẫn hướng đi đến các địa phương…là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã có sự thay đổi, sáp nhập theo chủ trương của Chính phủ”, lãnh đạo Cục Đường bộ cho biết.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Đường bộ, quá trình điều chỉnh toàn diện hệ thống biển báo này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và cần nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục như: thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; tổ chức khảo sát, lập thiết kế, dự toán; thực hiện đấu thầu, thi công xây dựng...
Riêng đối với loại biển báo chỉ dẫn địa giới hành chính, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết số lượng không nhiều, địa danh đã được xác định rõ ràng, chi phí thực hiện không lớn và thủ tục không phức tạp.

“Do đó, Cục đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ tổ chức thay thế ngay và hoàn thành trước ngày 15/7/2025. Đối với loại biển chỉ dẫn hướng đi, lối ra đến các địa danh, đây là loại biển cần điều chỉnh cẩn trọng vì liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Sau khi sắp xếp, nhiều địa danh cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không còn tồn tại như trước, nên cần có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để lựa chọn địa danh mới phù hợp, tránh gây nhầm lẫn cho người tham gia giao thông”, lãnh đạo Cục Đường bộ thông tin.
Cục Đường bộ Việt Nam lấy ví dụ, biển chỉ dẫn trên cao tốc Hà Nội – Cầu Giẽ – Ninh Bình hiện đang hướng dẫn vào thành phố Phủ Lý, nay nếu thay bằng tên địa danh hành chính mới như phường Phủ Lý (nếu có) thì phải có sự thống nhất giữa chính quyền địa phương và lực lượng Cảnh sát giao thông.
“Trong nhiều trường hợp, địa danh thành phố cũ sau khi sáp nhập không được giữ nguyên tên trong đơn vị hành chính mới, khiến việc lựa chọn tên thay thế gặp khó khăn hơn”, lãnh đạo Cục cũng lưu ý.
Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thống nhất tên địa danh hành chính trước khi thay thế biển báo;
Rà soát toàn bộ các báo hiệu đường bộ khác liên quan đến thay đổi địa danh, bao gồm cả nội dung chỉ dẫn và khoảng cách giữa các địa điểm; Ưu tiên xử lý ngay các trường hợp có ảnh hưởng đến an toàn giao thông;
Đồng thời, lập phương án tổng thể điều chỉnh hệ thống biển báo theo từng tuyến đường, nêu rõ lộ trình thực hiện, nguồn kinh phí và trách nhiệm của từng đơn vị, báo cáo về Cục Đường bộ Việt Nam và UBND cấp tỉnh.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông chưa hoàn thành, Cục yêu cầu các chủ đầu tư phải khẩn trương cập nhật và điều chỉnh kịp thời các địa danh hành chính mới trên hệ thống biển báo chỉ dẫn (bao gồm hướng đi, hướng rẽ, lối ra...) để phù hợp với thay đổi sau sắp xếp, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư và tránh phải điều chỉnh lại sau khi hoàn thành dự án.