Crimea sẽ trở thành “nút thắt” trong lập trường của Ukraine và phương Tây?

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp | 28/02/2023, 12:29

Việc giành lại quyền kiểm soát Crimea - điều mà Ukraine cho là cần thiết để kết thúc xung đột, có thể sớm trở thành nút thắt trong quan hệ giữa Kiev và phương Tây.

Vai trò của Crimea

Trong một bài phát biểu vào tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhận định, cuộc xung đột với Nga "bắt đầu từ Crimea và sẽ kết thúc ở Crimea”.

Bán đảo ở Biển Đen này, được sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu ý dân, là nơi tập trung một số căn cứ quân sự quan trọng của Nga và là một trong những địa điểm để Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.

Kiểm soát Crimea cũng như hành lang trên đất liền từ Zaporizhzhia giúp quân đội Nga có thể đe dọa các vị trí của Ukraine từ phía Nam và cung cấp cho Hạm đội Biển Đen một căn cứ tiền phương ở Sevastopol để tiến hành các cuộc tấn công tầm xa.

Kiev đã nhiều lần nhấn mạnh nhu cầu cần giành lại Bán đảo này, đồng thời khẳng định sẽ không từ bỏ nỗ lực giành lại khu vực phía Đông cũng như các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát từ 24/2/2022 đến nay.

Kể từ khi xung đột nổ ra, Crimea đã hứng chịu các cuộc tấn công một vài lần, đáng chú ý nhất là cuộc tấn công vào mùa hè năm ngoái khi các vụ nổ phá hủy một số máy bay chiến đấu tại một căn cứ hải quân của Nga.

Trong những tháng gần đây, quân đội Ukraine đã thúc đẩy một cuộc phản công ở phía Nam theo hướng Crimea và tuyên bố giành lại Kherson - thành phố quan trọng nằm giáp với Bán đảo này.

Với sự hỗ trợ của xe tăng chiến đấu chủ lực và vũ khí phương Tây, lực lượng vũ trang Ukraine có thể sẽ tiến hành các cuộc phản công mới để giành lại các vùng lãnh thổ ở phía Nam và phía Đông, cũng như đặt ra kịch bản về việc giành lại quyền kiểm soát Crimea.

Tuy nhiên, Kiev đang thiếu một thứ để đạt được mục tiêu chiến lược trên: Đó là các tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất với tầm bắn từ 150 – 300 km nhắm trực tiếp vào mục tiêu.

"Crimea là đất của chúng tôi, là lãnh thổ của chúng tôi", Tổng thống Zelensky khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vào tháng trước.

"Hãy cho chúng tôi vũ khí", ông hối thúc, đồng thời tuyên bố Ukraine sẽ giành lại "những gì là của mình". Các quan chức quân sự Ukraine tuần trước cảnh báo Nga đang tăng cường nhanh chóng phòng tuyến trên Bán đảo Crimea.

Ukraine có khả năng giành lại Crimea hay không?

"Ukraine phải giành lại Crimea trước trong năm nay, trước cả Donbass", cựu Tư lệnh Mỹ tại châu Âu – Trung tướng Ben Hodges nhận định với EURACTIV.

"Chừng nào Nga còn có thể triển khai máy bay chiến đấu, phóng tên lửa và UAV từ đây hoặc Hạm đội Biển Đen có thể hoạt động ở đây thì chừng đó Ukraine sẽ chưa thể an toàn hoặc được đảm bảo an ninh hay có thể tái thiết nền kinh tế".

Theo cựu Tư lệnh Mỹ, nếu Hạm đội Biển Đen còn hiện diện ở Crimea thì Ukraine sẽ không thể sử dụng các cảng ở Mariupol và Odessa.

Trái với quan điểm hoài nghi của một số nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích, ông Hodges tin rằng quân đội Ukraine có thể giành lại Crimea nếu được cung cấp tất cả vũ khí cần thiết, chủ yếu là tên lửa tầm xa.

"Nếu muốn cô lập và giành lại Crimea thì cần có khả năng cô lập Bán đảo này, làm gián đoạn liên lạc giữa Nga và Crimea, giữa cầu Kerch và hành lang trên đất liền bằng các cuộc tấn công tên lửa tầm xa nhằm vào các cây cầu cũng như các cuộc tấn công mặt đất", ông Hodges nói.

Trung tướng nghỉ hưu Ben Hodges cũng đánh giá, chìa khóa để giành chiến thắng nằm ở Crimea. Ông đã gọi đây là "vùng lãnh thổ mang tính quyết định".

Lập trường do dự của phương Tây

Vấn đề Crimea đang tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nhà hoạch định chính sách phương Tây, bất chấp những đảm bảo công khai về sự thống nhất lãnh thổ của Crimea.

Trong những cuộc thảo luận kín, một số quan chức Mỹ và châu Âu thừa nhận việc Ukraine giành lại Crimea khó có khả năng xảy ra. Một quan chức cấp cao Pháp giấu tên nhận định với Wall Street Journal rằng: "Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng Nga không được giành chiến thắng nhưng điều đó nghĩa là gì? Nếu chiến tranh kéo dài với mức độ này, Ukraine sẽ không thể chịu được tổn thất". Người này cũng nhận định: "Không ai tin rằng họ có thể giành lại Crimea".

Nhiều quan chức phương Tây lo ngại việc Ukraine giành quyền kiểm soát Crimea sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga và khiến Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân.

Một số thành viên NATO rất thận trọng về vấn đề này, đặc biệt là các nước Tây Âu, vốn hoài nghi về những kết quả thực tế có thể đạt được trên chiến trường. Họ thận trọng khi thảo luận chi tiết về chiến thắng của Ukraine trong khi nhiều nhà ngoại giao NATO không muốn đề cập đến việc liệu Crimea có nằm trong những kế hoạch này hay không.

Gần đây nhất, các thành viên NATO gồm Đức, Pháp và Anh đã đề nghị cung cấp vũ khí và đảm bảo an ninh như một cách khuyến khích Ukraine đàm phán với Nga song Kiev đã từ chối.

Đầu năm 2023, Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine cần các tên lửa tầm xa ATACMS có tầm bắn gần 300km nhưng cho đến nay, Washington vẫn từ chối hỗ trợ. Danh sách các nước sử dụng ATACMS còn có: Hàn Quốc, Ba Lan, Romania, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Bahrain.

Khi được hỏi về Crimea và khả năng cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã từ chối trả lời các vấn đề liên quan đến hoạt động quân sự.

Trong khi ông Stoltenberg thận trọng chỉ ra thực tế "sự ủng hộ sẽ gia tăng khi xung đột gia tăng" thì ông cũng nhấn mạnh "trách nhiệm của phương Tây là đảm bảo Ukraine có thể bảo vệ lãnh thổ của mình và đó là những điều chúng ta đang làm".

"Xung đột về bản chất là khó đoán nhưng dĩ nhiên, cuộc xung đột này có thể kết thúc trên bàn đàm phán. Điều chúng ta biết hiện nay là những gì xảy ra trên bàn đàm phán hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh trên chiến trường", Tổng thư ký NATO cho hay.

Mỹ sẽ nghĩ lại?

Cho đến gần đây, Washington vẫn duy trì sự mơ hồ chiến lược về vấn đề này khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken khẳng định mục tiêu của Mỹ chỉ là trao cho Kiev các phương tiện để "giành lại lãnh thổ mà Nga kiểm soát từ 24/2/2022" chứ không hề đề cập đến những vùng lãnh thổ Nga kiểm soát năm 2014.

Dù vậy, tình hình dường như đang bắt đầu thay đổi.

Theo New York Times, chính quyền Tổng thống Biden bắt đầu nghĩ tới ý tưởng Ukraine cần chiếm ưu thế trên Bán đảo Crimea để tăng cường vị thế đàm phán, thậm chí cả khi đối mặt với rủi ro leo thang.

"Mỹ không và sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập Bán đảo này. Crimea là của Ukraine", Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định trong một thông báo ngày 26/2.

"Ukraine sẽ không an toàn trừ khi Crimea được phi quân sự hóa", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho hay. Bà cho rằng: "Có những địa điểm ở Crimea có vai trò cần thiết để Nga kiểm soát tất cả các vùng lãnh thổ nước này giành được hiện nay ở Ukraine, bao gồm cả hành lang trên đất liền".

"Đối với những cơ sở quân sự lớn ở Crimea đóng vai trò như các trung tâm hậu cần và kho vũ khí cần thiết của Moscow cho chiến dịch quân sự này - đó là những mục tiêu hợp pháp của quân đội Ukraine", quan chức Mỹ cho hay.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng nhận định với NBC rằng quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào Ukraine về việc định nghĩa chiến thắng hoặc giải pháp ngoại giao có thể chấp nhận được, thậm chí cả khi tiến trình đàm phán hòa bình không xảy ra./.

Bài liên quan
Tên lửa hành trình Ukraine tấn công dồn dập nhà máy đóng tàu ở bán đảo Crimea
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine đã bắn 15 tên lửa hành trình vào xưởng đóng tàu của Nga ở thành phố cảng Kerch trên bán đảo Crimea vào hôm 4/11.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất