Công dân có thể được dự thính phiên họp công khai của Quốc hội

Ngọc Thành/VOV.VN | 15/11/2022, 11:13

Nghị quyết Ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội thể hiện rõ nội dung này và giao Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội.

Sáng nay 15/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội với 466/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,57% tổng số đại biểu Quốc hội).

Trước đó khi thông qua toàn văn dự thảo nghị quyết, đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 18 về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội với 467/472 đại biểu tán thành, chiếm 93,78% tổng số đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc nhiều đợt

Nghị quyết nêu rõ, kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt.

Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Nội quy cũng yêu cầu đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, tập trung nghiên cứu, tham gia thảo luận, góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp Quốc hội và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Trường hợp không thể tham dự kỳ họp Quốc hội, phiên họp theo chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội nếu vắng mặt từ 02 ngày làm việc trở xuống trong cả kỳ họp Quốc hội.

Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội.

Nghị quyết cũng khẳng định tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức văn bản điện tử, trường hợp thuộc bí mật nhà nước thì lưu hành bằng văn bản giấy.

Phiên khai mạc, phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Lễ tuyên thệ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Các phiên họp khác của Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội.

Về hình thức tiến hành kỳ họp, phiên họp của kỳ họp Quốc hội, Quốc hội họp trực tiếp và căn cứ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức kỳ họp Quốc hội theo hình thức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến.

Tuy nhiên, các phiên họp kín, phiên biểu quyết bằng bỏ phiếu kín phải được tiến hành theo hình thức họp trực tiếp.

Siết chặt quy định gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ và bảo đảm thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu Quốc hội để có đủ thời gian nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng, có ý kiến sâu sắc, chất lượng. Có ý kiến đề nghị bổ sung chế tài xử lý đối với việc chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội; quy định việc gửi tài liệu chậm là nội dung để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội phải bảo đảm thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 97 của Luật Tổ chức Quốc hội.

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm đúng thời gian quy định. Văn phòng Quốc hội cũng thường xuyên đôn đốc việc gửi tài liệu, đồng thời, từ kỳ họp này đã thực hiện công bố công khai danh sách các cơ quan chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.

Đây cũng là một trong những cơ sở để Quốc hội xem xét, đánh giá việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, có ý kiến cho rằng thời gian phát biểu 7 phút của đại biểu là ngắn; ý kiến khác đề nghị giảm thời gian phát biểu của đại biểu. Có ý kiến đề nghị tăng thời gian giải trình của cơ quan trình đối với lĩnh vực, nội dung quan trọng, nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.

Giải trình vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định về thời gian phát biểu, tranh luận của đại biểu Quốc hội là kế thừa quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành và nội quy hóa những giải pháp đổi mới có hiệu quả trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội chủ động trong việc chuẩn bị nội dung và trình bày được đầy đủ ý kiến.

Bên cạnh đó, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội cũng không quy định giới hạn phát biểu lần hai trong thời gian kéo dài phiên họp nên đại biểu có thể thực hiện quyền của mình nếu còn thời gian.

Về thời gian giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định thời gian giải trình là 10 phút của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra là phù hợp để các chủ thể này phải trình bày thật cô đọng, súc tích, đồng thời bảo đảm dành nhiều thời gian hơn cho đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận.

Bên cạnh đó, dự thảo Nội quy kỳ họp đã bổ sung quy định Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể quyết định kéo dài thời gian mỗi lần giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra không quá 15 phút khi nội dung thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu như đại biểu đã nêu.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2023./.

Bài liên quan
Quy định cụ thể việc Quốc hội họp kỳ bất thường và họp trực tuyến
Sáng 14/2, tiếp tục phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất