Có vũ khí hiện đại của phương Tây, Ukraine sẵn sàng ăn miếng trả miếng với Nga?

08/04/2023, 21:33

Khi xung đột Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn tiêu hao với các trận đánh chủ yếu diễn ra trên những chiến hào, phương Tây đã cung cấp cho Kiev hàng tỷ USD viện trợ quân sự để giúp nước này tiếp tục đối phó Nga.

Trong bối cảnh những cuộc giao tranh khốc liệt hơn đang cận kề, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu phương Tây có thể duy trì sự hỗ trợ lớn như vậy hay không.

Ukraine đã sẵn sàng "ăn miếng trả miếng"

Hồi đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một gói hỗ trợ vũ khí mới, trị giá 2,6 tỷ USD cho Ukraine. Hầu hết các loại vũ khí trong số này phải được đặt hàng từ ngành công nghiệp quốc phòng và dự kiến sẽ mất nhiều tháng để chuyển giao.

Trong thời gian tới, các lô đạn dược, phương tiện và phụ tùng thay thế trong gói viện trợ mới nhất sẽ được gửi đi để bổ sung cho thiết giáp hạng nặng và xe tăng tiên tiến mà Ukraine đang tiếp nhận từ các nước NATO. Trước đó, Mỹ và đồng minh đã chuyển giao cho Ukraine máy bay chiến đấu MiG-29, hệ thống phòng không Patriot, xe tăng M1A1 Abrams, Leopard, Challenger, xe bọc thép Stryker cùng các loại pháo tự hành cỡ 155mm và hàng nghìn máy bay không người lái. 

Tuyên bố về gói viện trợ mới của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về cuộc phản công của Ukraine trong mùa xuân. Ông Michael Kofman, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân cho rằng, với số lượng lớn vũ khí tiếp nhận của phương Tây trong nhiều tháng qua, Ukraine có thể tiến hành cuộc phản công lớn trong mùa xuân, thậm chí cả mùa hè.

Tuy nhiên, sau cuộc phản công này, các đối tác của Ukraine có thể gặp khó khăn trong việc bổ sung kho vũ khí của Ukraine ở mức cần thiết để chống lại các đòn đáp trả của lực lượng Nga, chuyên gia Kofman lưu ý trong một bài bình luận trên War on the Rocks.

Theo ông Kofman, việc cung cấp cho Ukraine đủ đạn dược và pháo binh để họ có thể duy trì các hoạt động phòng thủ không quá khó đối với phương Tây. Nhưng để cung cấp cho Kiev các loại vũ khí và đạn dược cần thiết giúp họ tạo ra sự đột phá trên chiến trường khi tiến hành tấn công lại là thách thức lớn.

“Dù cuộc phản công diễn ra như thế nào, Kiev chắc chắn sẽ mất nhiều nhân lực, thiết bị và tiêu tốn nhiều đạn dược”, ông Kofman nhấn mạnh.

Ngoài ra, tổn thất tại Bakhmut – nơi quân đội Ukraine đổ khá nhiều binh sỹ và khí tài quân sự trong các cuộc giao tranh kéo dài nhiều tháng ròng, cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc phản công.

“Ukraine rất có thể sẽ cạn kiệt các nguồn lực và phải phụ thuộc chủ yếu vào sự hỗ trợ của phương Tây về những hạng mục vũ khí quan trọng. Tôi cho rằng, không thể loại trừ bất cứ khả năng nào”, ông Kofman nói.

Theo nhận định của chuyên gia Kofman, sau cuộc phản công lớn, quân đội Ukraine có thể không đủ khí tài để duy trì đà tiến. “Họ sẽ phải tìm cách bổ sung kho đạn pháo, đồng thời khắc phục tổn thất về binh sỹ. Khi đó, Kiev sẽ phải giảm hoạt động tấn công và lui về phòng thủ. Xung đột có thể tiếp tục với những cuộc giao tranh nhỏ lẻ không xác định”.

Phương Tây có đủ sức hỗ trợ lâu dài cho Ukraine?

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là liệu các nước phương Tây có đủ kiên nhẫn để tiếp tục viện trợ nhằm giúp Kiev khôi phục lực lượng hay không.

Sau hơn một năm giao tranh dữ dội, cả Nga và Ukraine chưa chính thức công bố thiệt hại, nhưng một số chuyên gia phương Tây ước tính con số thương vong của Nga vào khoảng 200.000 binh sỹ, còn Ukraine là 120.000 binh sỹ. Hàng trăm thiết bị quân sự có giá trị, như xe tăng và pháo, cũng đã bị phá hủy, chưa kể, số lượng đạn pháo mà họ sử  dụng tương đối lớn, đôi khi lên tới hàng chục nghìn quả mỗi ngày.

Số binh sỹ thương vong cao và tốc độ tiêu hao đạn pháo chóng mặt đã khiến nhiều thành viên trong NATO lo ngại. “Quy mô của cuộc xung đột đã vượt xa tất cả các đánh giá và suy nghĩ của chúng tôi”, Tướng Christopher Cavoli - Tư lệnh tối cao các lực lượng NATO tại châu Âu cho biết. Ông nói thêm rằng, việc nâng cao năng lực sản xuất trong ngành công nghiệp quốc phòng là điều cực kỳ quan trọng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 2/2023 cho biết, tốc độ sử dụng đạn pháo của Ukraine trên chiến trường đang gây áp lực lớn cho các công ty quốc phòng và kho dự trữ vũ khí của phương Tây. Hiện Mỹ đang tìm cách cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine trong khi đẩy mạnh sản xuất để lấp đầy kho dự trữ vũ khí của nước này vốn đã hao hụt đáng kể thời gian qua.

Thời gian gần đây, nhiều nước phương Tây đã công bố các khoản đầu tư lớn cho sản xuất quốc phòng, nhưng chuyên gia Kofman cho rằng, động thái này lẽ ra phải được thực hiện vào năm 2022 hoặc sớm hơn để “có thể ứng phó kịp thời với giai đoạn quyết định của cuộc xung đột, đó là những tháng sắp tới"./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất